Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bóng đá Việt và giấc mơ ra biển lớn

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Asiad 2018 đã chính thức xác lập một kỷ lục mới cho bóng đá Việt Nam. Đó là lần đầu tiên đội tuyển (ĐT) Olympic Việt Nam giành vé đến vòng tứ kết sân chơi châu lục.

Sự kiện này đánh dấu quá trình hội nhập thực sự của bóng đá đối với sân chơi mà lâu nay chúng ta cho rằng nằm ngoài khả năng chinh phục.
Niềm tự hào Đông Nam Á

Bóng đá Đông Nam Á (ĐNÁ) được ví là vùng trũng của bóng đá châu Á. Trong các cuộc đua tranh, bóng đá khu vực hầu như không có cơ hội chạy đua với các đại diện của Tây Á, Đông Á hay Trung Á. Ngay cả Thái Lan - đội bóng số 1 khu vực vốn có chiến lược dài hạn vượt biển lớn trong thời gian dài với những đầu tư rất lớn cũng chưa có được thành tích như mong muốn. Ở giải đấu năm nay, Thái Lan bị loại ngay từ vòng đấu bảng dù chỉ gặp những đối thủ không được đánh giá cao.
 Công Phượng tỏa sáng với bàn thắng vào lưới Bahrain. Ảnh:  Nhật Quang
Việc các đội bóng ĐNÁ bị loại hoặc rơi rụng sau vòng đấu loại trực tiếp càng khiến chiến công của ĐT Olympic Việt Nam được báo giới khu vực ca tụng. Tại Thái Lan, người ta kêu gọi các nhà lãnh đạo phải thay đổi cách làm trước bước tiến ngoạn mục của bóng đá Việt Nam. Rằng một nền bóng đá không quá giàu mạnh, thường thất bại trong các cuộc chạy đua ở sân chơi khu vực lại tạo ra những cơn địa chấn ở đấu trường lớn.

Thành công của bóng đá Việt Nam tại Asiad được coi là bất ngờ lớn nhất tại Asiad lần này. Những ngày qua, các nhà lãnh đạo bóng đá khu vực liên tục gửi lời chúc mừng tới lãnh đạo VFF. Thậm chí, báo giới khu vực còn gọi chiến công của Olympic Việt Nam là cảm hứng để cả các đội tuyển noi theo. Các nhà chuyên môn cho rằng, thành công của bóng đá Việt Nam minh chứng một điều, bóng đá khu vực ĐNÁ hoàn toàn có quyền hy vọng hội nhập một cách chủ động với sân chơi châu lục nếu có giấc mơ và chiến lược đúng đắn.

Chương sử mới bắt đầu

Bóng đá Việt Nam đang có những cột mốc lịch sử đáng tự hào. Lần đầu tiên chúng ta có nhiều đội tuyển giành vé đến sân chơi châu lục và tự hào hơn, các đội bóng đều có thành tích tốt. Từ các đội tuyển trẻ, bóng đá nữ, futsal đến bóng đá nam đều ghi nhận những thành tích đáng trân trọng. Nó thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của dư luận về khả năng hội nhập của nền bóng đá. Bởi trong một thời gian dài, hầu như tất cả đều tin rằng, sân chơi lớn không thuộc về bóng đá Việt Nam. Chúng ta hãy dốc toàn lực cho những mục tiêu vừa sức là AFF Cup hay SEA Games bởi ở đó mới có những đối thủ đồng cân đồng lạng.

Đúng là bóng đá Việt Nam đến nay vẫn khắc khoải với giấc mơ giành huy chương vàng SEA Games. Nhưng điều đó không có nghĩa, chúng ta từ chối cơ hội hội nhập và tìm kiếm cơ hội cải thiện vị thế ở đấu trường châu Á vốn khắc nghiệt hơn. Thực tế đã chứng minh, trong khoảng 10 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam đã có thành tích khá tốt ở sân chơi châu lục. Hạn chế lớn nhất của chúng ta chính là thể lực và kinh nghiệm thi đấu quốc tế.

Giờ thì khác, với lứa cầu thủ mới vốn được đào tạo bài bản, sự tiếp cận với kiến thức bóng đá mới, đội tuyển Việt Nam không còn quá bỡ ngỡ khi ra sân chơi lớn. Việc các cầu thủ Việt Nam thi đấu tự tin trước các đội bóng Tây Á và mới đây đã đánh bại Olympic Nhật Bản một cách thuyết phục đã khẳng định một điều: Trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trận mạc của các cầu thủ chúng ta đã có bước tiến vược bậc.

Một chương mới trong hành trình hội nhập chủ động đã bắt đầu với bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng, để nối dài những chiến công, có sự thay đổi một cách toàn diện về vị thế của bóng đá Việt Nam, đòi hỏi VFF và các cơ quan quản lý có một tầm nhìn dài hạn thay vì tập trung cho một vài lứa cầu thủ trọng điểm. Bởi, nếu không sớm có một đội ngũ kế cận, thì cảm hứng thành công hiện tại sẽ không mang đến sự lột xác cho nền bóng đá.