Bông hồng vàng của làng lụa Vạn Phúc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhịp sống hối hả của kinh tế thị trường đã có lúc như muốn át đi tiếng thoi đưa, dệt lụa của hơn 1.000 máy dệt tại làng lụa Vạn Phúc, khiến người ta quên đi hình ảnh những dải lụa màu phấp phới bay ven bờ sông Nhuệ.

Nhưng tại cơ sở dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão, phường Vạn Phúc, Quận Hà Đông - những khung dệt chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ở đó, bà Nguyễn Thị Tâm là một trong những nghệ nhân đã và đang ngày đêm giữ lửa cho nghề lụa làng Vạn Phúc.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm (thứ 2 từ trái qua) nhận danh hiệu Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2015. 	Ảnh: Hà Phương
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm (thứ 2 từ trái qua) nhận danh hiệu Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2015. Ảnh: Hà Phương
Đến làng lụa Vạn Phúc, không khó khăn lắm để tìm xưởng dệt lụa tơ tằm của nghệ nhân Triệu Văn Mão, bởi đây là một trong những địa chỉ uy tín nổi tiếng bậc nhất luôn được du khách biết tới. Cụ Mão cũng là một trong những người đầu tiên có công vực dậy làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một này, và bây giờ, con dâu của cụ - nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, đang kế nghiệp của cha ông. Cũng sinh ra và lớn lên tại Vạn Phúc, suốt năm tháng tuổi thơ đến khi trưởng thành bà gắn bó với tiếng thoi đưa và khung dệt lụa. Và khi lập gia đình, bằng sự gắn bó máu thịt với nghề, bà Tâm lại gánh vác trên vai một trọng trách lớn lao là duy trì nghiệp tổ, đưa những sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc đến với bạn bè năm châu.

Gần 60 năm gắn bó với nghề lụa truyền thống, bà Tâm chưa một ngày ngơi nghỉ. Bà đã đi và học hỏi sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật từ nhiều quốc gia, mang về cho làng nghề truyền thống những sản phẩm lụa Vân, mang đậm tính truyền thống cũng như hiện đại, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Sản phẩm lụa Vân nổi tiếng một thời tưởng như đã bị thất truyền, nhưng nay, dưới bàn tay của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cùng những người thợ tài hoa trong làng, đã sống lại và ưu việt hơn xưa. Đây cũng là một trong những lý do khiến khách hàng đến với làng lụa Vạn Phúc ngày càng đông.

Nhiều năm qua, cơ sở dệt lụa của bà Tâm luôn đi đầu trong việc tham gia các hoạt động quảng bá sản phẩm tại các cuộc thi, hội chợ tại Hà Nội, Huế, Quảng Ninh… cùng nhiều nước Pháp, Đức, Singapore, Trung Quốc… Đặc biệt, những sản phẩm lụa của bà được đánh giá cao cũng như đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Sản phẩm lụa Vân “Ngàn năm Thăng Long Hà Nội” do chính tay bà thiết kế đã được TP Hà Nội lựa chọn làm quà tặng cho các đoàn khách quốc tế đến dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Đặc biệt, năm 2000, bà Tâm đã phục chế thành công 18 bộ triều phục cung đình Huế, góp phần bảo tồn, gìn giữ được những giá trị văn hóa của đất nước. Năm 2011, sản phẩm lụa “Vân lưỡng long” của bà được UBND TP chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Năm 2012 - 2013, từ bàn tay tài hoa của bà, sản phẩm lụa “Vân lưỡng long song hạc”, “Lưỡng long song thọ”, “Vân triện thọ, Vân thọ đỉnh” đã được Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội chọn là sản phẩm tiêu biểu.

Nhiều năm qua, niềm động viên dành cho bà Tâm và những người thợ của làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông là được đón tiếp những đoàn khách của T.Ư, TP, các tỉnh bạn đến tham quan học tập kinh nghiệm, hàng ngàn lượt khách quốc tế, các đoàn đại biểu cấp cao của các nước ASEAN, Trung Quốc, Đoàn Liên minh Nghị viện Thế giới IPU 123… đến tham quan. Một kỷ niệm xúc động khiến bà Tâm nhớ mãi không quên đó là ngày bà và các thợ thủ công của cơ sở lụa Triệu Văn Mão được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. “Khi ấy Đại tướng căn dặn làm sao giữ được làng nghề truyền thống của quê hương, đồng thời để sản phẩm lụa Vạn Phúc ngày một phát triển và được nhiều nước trên thế giới biết đến” - bà Tâm bồi hồi kể lại.

Sự động viên khích lệ của T.Ư, TP, cùng sự yêu mến của khách hàng trong và ngoài nước dành cho lụa Vạn Phúc là nguồn động lực giúp bà Tâm cùng những người thợ trong làng không ngừng sáng tạo, đưa làng nghề ngày càng phát triển. Từ năm 2010 - 2014, cơ sở dệt lụa của bà Tâm đã được Bộ VHTT&DL chứng nhận là cửa hàng mua sắm phục vụ khách du lịch hàng đầu Việt Nam. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Đỗ Thị Hà khẳng định: Cơ sở của bà Tâm đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển làng nghề ở địa phương, cũng như giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đau đáu với nghề, muốn cho làng nghề ngày càng phát triển, bà Tâm đã phối hợp với Phòng Kinh tế quận Hà Đông mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ trẻ, lớp học sáng tạo mẫu, lớp về kỹ năng giao tiếp bán hàng… Bản thân bà Tâm cũng ngày ngày tận tình truyền nghề cho lớp thợ trẻ, để những tinh hoa của nghề dệt lụa không bị thất truyền. Có thể nói rằng, chính bà đang truyền cho thế hệ thanh niên làng lụa Vạn Phúc ngọn lửa và niềm đam mê với nghề.

Đạt giải Ngôi sao Việt Nam năm 2006 tại Huế, hai lần nhận giải Bông hồng vàng Thủ đô, UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2015"…, nhưng đối với Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, phần thưởng cao quý nhất chính là sự yêu mến của khách hàng đối với những sản phẩm lụa Vân do chính tay bà thiết kế. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm khẳng định, bên cạnh việc gìn giữ tinh hoa của nghề lụa truyền thống, bà sẽ dành hết tâm sức vào những mẫu thiết kế sáng tạo mới. Đồng thời, truyền kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, để thương hiệu lụa Hà Đông sẽ tiếp tục vươn xa đến với bạn bè toàn thế giới.