Brazil tổ chức bầu cử địa phương: Cuộc khủng hoảng chưa hồi kết

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng như dự đoán, cử tri Brazil đã dùng lá phiếu để 'trừng phạt" đảng Công nhân cầm quyền của cựu Tổng thống Dilma Rousseff trong cuộc bầu cử thị trưởng và Hội đồng TP tổ chức hôm 2/10.

Đằng sau những lá phiếu này là tương lai mờ mịt của Brazil, nơi chính trường từ lâu đã trở thành thương trường bị các tập đoàn lớn hàng đầu Mỹ Latin thao túng.
 Người dân Brazil biểu tình phản đối tham nhũng.
Cuộc bầu cử thị trưởng và Hội đồng TP trên toàn bộ lãnh thổ Brazil là cuộc tổng kiểm tra đối với uy tín của đảng Công nhân - đảng cánh tả đã cầm quyền qua 13 năm trong bối cảnh đảng này trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất do bê bối tham nhũng. Đảng của Tổng thống tạm quyền Michel Temer - người tiếp nhận "chếc ghế nóng" của bà Rousseff hồi tháng 8 nhiều khả năng sẽ giành ưu thế, đặc biệt là tại các TP lớn. Điều này sẽ nâng khả năng chiến thắng của ông Temer trong cuộc đua cho vị trí tổng thống năm 2018. Ông Claudio Couto - nhà nghiên cứu chính trị tại Sao Paulo nhận định, đảng Công nhân sẽ thất bại bởi gây ra quá nhiều sai lầm trong những năm gần đây và không bao giờ thừa nhận mình đã sai.
Đây cũng là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức với quy định cấm các công ty tài trợ ngân sách cho các chiến dịch bầu cử nhằm “làm sạch” bầu không khí chính trị của Brazil sau vụ bê bối tham nhũng “khủng” tại công ty dầu khí nhà nước Petrobras. Tuy nhiên, “vệt dầu loang” trong vụ tham nhũng ở Petrobras đã khiến người dân mất lòng tin và không mấy “mặn mà” với cuộc bầu cử. “Vấn đề ở đây là gần như không có lựa chọn thay thế. Tất cả các ứng cử viên đều bị cáo buộc tham nhũng” - Ana da Rocha, một người nội trợ sống ở khu ngoại ô của thủ đô Brasilia nhìn nhận.
So với năm 2012, đảng Công nhân sẽ mất khoảng một nửa số vị trí tại chính quyền địa phương. Nhưng đảng Công nhân không phải là đảng duy nhất để mất đi sự ủng hộ do dính líu vào cáo buộc tham nhũng. Số phận chính trị của Tổng thống tạm quyền Temer cũng vô cùng mong manh khi nhiều thành viên trong nội các thuộc diện bị điều tra vì tình nghi liên quan đến vụ bê bối tham nhũng tại Petrobras. “Bê bối tham nhũng tác động tiêu cực đến tất cả các bên, và tôi không thấy lạc quan về kỳ bầu cử sắp tới vào năm 2018” - Carlos Pio, một nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Brasilia cho biết.
Khủng hoảng chính trị và khủng hoảng kinh tế kéo dài đã đẩy Brazil từ nền kinh tế được đánh giá là số một của châu Mỹ Latinh trở thành quốc gia có tình trạng thất nghiệp tăng gấp đôi và lạm phát tăng cao. Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%; đồng Real mất giá gần 50%, lạm phát hơn 10% và nợ công tương đương 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mới đây, Ngân hàng T.Ư Brazil dự báo nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục suy giảm 3,2% trong năm 2016. Một khi chính trường Brazil chưa yên, nền kinh tế Mỹ Latinh cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, nhất là khi Venezuela đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng do giá dầu xuống thấp.