Kinhtedothi - Với vai trò đầu tàu kinh tế của Nam Mỹ, cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil đang trở thành một “hố đen” khổng lồ, hút các nước lân cận vào vòng xoáy, kéo theo ảnh hưởng tiêu cực một loạt nền kinh tế của các nước láng giềng.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff.
Thượng viện Brazil vừa nhóm họp để bầu chọn thành viên của một ủy ban chịu trách nhiệm theo dõi quá trình luận tội Tổng thống Dilma Rousseff vì cáo buộc che giấu và thao túng công quỹ nhằm đảm bảo tái đắc cử năm 2014. Ủy ban này sẽ có 21 thành viên được lựa chọn từ 81 thượng nghị sĩ. Nếu 41/81 thượng nghị sĩ phê chuẩn việc luận tội, bà Rousseff sẽ phải từ chức trong vòng 6 tháng sau đó. Vào đầu tháng 5 tới, ủy ban sẽ quyết định liệu có tiếp tục quá trình luận tội Tổng thống hay không. Sau đó, có thể vào ngày 12/5, Thượng viện sẽ bỏ phiếu quyết định việc mở phiên luận tội bà Rousseff. Theo các nhà quan sát, nhiều khả năng đa số thành viên của ủy ban là những người ủng hộ luận tội bà Rousseff. Do vậy, việc bà Rousseff sẽ phải đứng trước một phiên luận tội là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Vụ khủng hoảng chính trị mà Brazil đang gặp phải như một vết dầu loang vẫn chưa có phương cách giải quyết thích hợp. Đa số người dân muốn bà Rousseff phải từ chức. Nhưng họ cũng mất lòng tin và không ủng hộ Phó Tổng thống Michel Temer - người dự kiến lên nắm quyền nếu bà Rousseff bị luận tội. Theo một thống kê mới công bố cách đây một ngày, 62% người Brazil muốn cả Tổng thống Rousseff và Phó Tổng thống Temer rời nhiệm sở. Viện Dư luận và thống kê Brazil - cơ quan tiến hành cuộc thăm dò cho biết, chỉ có 25% số người được hỏi đủ kiên nhẫn chờ đợi hiệu quả từ hiệp ước mới của bà Rousseff với phe đối lập để duy trì sự ổn định chính trị và kinh tế.
Tuy nhiên, việc các nhà bình luận quốc tế quan tâm là, nếu Tổng thống Rousseff bị phế truất, ai sẽ là người có thể đảm bảo đưa Brazil ra khỏi cơn khủng hoảng. Brazil gần như bị nhấn chìm bởi tham nhũng và bê bối khi nhiều chính trị gia cũng không hề trong sạch. Tuần trước, một bài báo của New York Times đưa tin, 60% trong 594 thành viên Quốc hội của Brazil - cũng chính là những người bỏ phiếu để buộc tội bà Rousseff đều đối mặt với các tội nghiêm trọng như hối lộ, gian lận bầu cử, phá rừng trái phép...
Chưa biết rõ liệu bà Rousseff có phải rời nhiệm sở và Phó Tổng thống Temer có trở thành người kế vị hay không, nhưng cuộc khủng hoảng chính trị của Brazil đã gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của các quốc gia lân cận. Giới chức Argentina cho biết, cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Brazil có một tác động đáng kể đến ngành công nghiệp của đất nước này. Cụ thể, hơn 50% xuất khẩu công nghiệp của Argentina đến thị trường Brazil và dòng chảy thương mại này đang bị ảnh hưởng. Với vai trò chủ đạo kinh tế ở Nam Mỹ, cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil sẽ có ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường và cung cấp việc làm cho khu vực.