Năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) có 18 lớp với 438 học sinh, trong đó có trên 200 em học sinh bán trú.
Mặc dù trang thiết bị phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú còn thiếu thốn, song những bữa ăn của các em luôn đầy đủ các loại rau, thịt, cá và thường xuyên đổi món để đảm bảo khẩu phần và chế độ dinh dưỡng.
“Năm nay em đăng ký ở lại trường, ở bán trú nên được học tập và vui chơi cùng các bạn nhiều hơn. Cơm trưa được thầy, cô chăm lo đầy đủ, ăn ngon, ăn no nên em rất vui", em Đinh Thị Nguyên (lớp 8B) chia sẻ.
Vào mùa mưa, ở huyện Sơn Tây thường xảy ra mưa lũ, sạt lở đất gây ách tắc, cô lập nên đường đến trường của nhiều học sinh càng thêm khó khăn. Việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, đồng thời cũng là động lực giúp học sinh nơi đây yên tâm bám trường, bám lớp, giúp các em có nhiều thời gian hơn dành cho học tập.
“Hiện tại, 100% học sinh của trường đi học đầy đủ. Để thực hiện được điều này, nhà trường chủ động trong việc tổ chức bán trú cho học sinh. Đến nay, gần 200 em ở xa được tổ chức ăn uống tại trường từ đầu năm học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức dạy học cho học sinh cũng cơ bản đảm bảo”, Hiệu Trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Bua Huỳnh Văn Thành cho hay.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Ba Giang (huyện Ba Tơ) có hơn 250 học sinh thì có đến 2/3 em được diện hỗ trợ ở bán trú. Từ việc chăm sóc bản thân đến việc ăn uống đều được nhà trường quan tâm, hỗ trợ. Phụ huynh cũng an tâm hơn mỗi khi đưa trẻ đến trường.
Chị Phạm Thị Hoa (xã Ba Giang) cho biết: “Nhà tôi có 2 đứa con đều đi học bán trú. Mỗi lần xuống thăm con thấy ăn ở rất tốt. Cảm ơn nhà trường, thầy cô giáo rất nhiều”.
Huyện Ba Tơ hiện có 50 trường ở các bậc học. Mặc dù địa bàn miền núi khó khăn, nhưng các thầy cô giáo vẫn bám trường, bám lớp thực hiện tốt nhiệm vụ trồng người trên vùng cao. Đặc biệt, mô hình bán trú đã góp phần đáng kể cho chất lượng giáo dục vùng cao Ba Tơ.
Đến nay, toàn huyện có 13 trường đạt chuẩn quốc gia, 19/19 xã, thị trấn giữ chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù. Có được kết quả này là nhờ chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp cho giáo dục vùng cao.
Theo Bí thư huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ, các thầy cô giáo ở miền núi của huyện đã khắc phục khó khăn, cùng ăn, cùng ở với học sinh ở những ngôi trường bán trú, góp phần đưa con chữ đến tận những vùng xa xôi, hẻo lánh.
“Chính mô hình này góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục ở huyện Ba Tơ. Thầy cô giáo còn có những sáng kiến trong quá trình giảng dạy và gắn bó, nuôi dưỡng ước mơ cho các em vươn lên trong học tập”, ông Vỹ nói.
Ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi, do điều kiện đi lại, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số gặp khó khăn nên có nhiều học sinh bỏ học, đi học "giã gạo" (bữa đi bữa nghỉ).
Từ khi mô hình trường học bán trú được triển khai đã hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách trình độ dân trí giữa miền núi và đồng bằng.