Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bữa sáng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khác với số đông những người sống ở Hà Thành, sáng nào chị cũng dậy sớm tự tay nấu bữa ăn sáng cho cả nhà, chứ không “quy bữa sáng thành tiền” để chia cho hai đứa con, dù chúng đã lớn.

Nhiều người biết, bảo chị: “Sao chị cứ phải thân làm tội đời thế, bữa sáng cứ để mọi người trong nhà “tự quản” đi, quán xá đầy đường, đồ ăn sẵn đấy!”. Thế nhưng bao nhiêu năm nay chị vẫn chịu khó như vậy và chị chỉ cười nói với mọi người rằng: Nhà chị đã quen như vậy và chị cũng thích nấu nướng vào buổi sáng.

Tôi để ý thấy, chị rất vui khi làm bữa ăn đầu ngày ấy. Hôm nay chị chuẩn bị món bún sườn, ngày mai trong giỏ đi chợ của chị đầy đủ thực phẩm cho món súp gà, ngày kia thì là nồi miến lươn thơm lừng gia vị… Chị bảo tôi: “Chẳng mất mấy thời gian đâu, mình chuẩn bị đồ từ hôm trước, sáng ra loáng cái là xong, ngon lành lại sạch sẽ. Mà quan trọng nhất là ai nấy đều tươm tất khi đến cơ quan, đến trường cô ạ!”. Ngẫm lời chị nói tôi mới thấy đúng thật, chồng con tôi ra khỏi nhà từ rất sớm với cái bụng rỗng không. Đi ăn sáng ở ngoài xong, tất tả đến trường, đến nơi làm việc, có khi tay còn chưa kịp rửa, miệng vẫn còn thoang thoảng hơi thức ăn. Bản thân tôi cũng có cảm giác ấy mỗi khi từ trong quán ăn sáng bước ra. Mà lắm “vị” ở cơ quan tôi, vào đến phòng làm việc rồi mà miệng vẫn còn ngậm cái tăm… Những việc nho nhỏ ấy, nếu khi còn ở nhà sẽ được “giải quyết” gọn ghẽ trước khi quần áo chỉnh tề bước ra ngoài đường.

Mà hơn thế, bữa ăn còn tạo thêm một khoảng không gian đầm ấm của gia đình giữa nhịp sống công nghiệp hối hả - nhịp sống mà cả một ngày dài bố mẹ, con cái chỉ có thể nhìn thấy nhau vào buổi tối… Hóa ra cái sự chịu khó của chị không chỉ là một thói quen, một sự thích đơn thuần, mà nó ngọt ngào, chu đáo đúng nghĩa bàn tay của một người mẹ, người vợ. Thế mới hiểu vì sao bấy lâu nay tôi cứ thắc mắc, chị kỳ cạch nấu nướng mỗi sáng thế mà lúc nào cũng quần là áo lượt, chỉn chu đẹp đẽ, mỗi khi đến cơ quan. Cái đẹp thâm trầm, sâu xa của người phụ nữ Hà Nội là thế!

Từ hôm nghe chị nói chuyện, tôi đâm ra để ý đến bữa sáng. Hình như ngày càng nhiều gia đình đưa bữa sáng “ngoài đường” vào trong nhà, đó đâu phải là sự lỗi thời. Tự nhiên tôi lại muốn học chị, muốn dậy sớm vào bếp để nhìn thấy những người thân yêu của mình bảnh bao, chỉn chu khi ra khỏi nhà. Tôi “ngỏ ý” với ông xã và hai cậu con trai, cứ tưởng “cánh đàn ông” thích tự do, nào ngờ: “Mẹ làm như thế thì còn gì bằng!”. Hóa ra, bàn tay người phụ nữ quan trọng đến thế, dù ở thời gian khó hay lúc mọi dịch vụ luôn sẵn sàng.