Thế nhưng lần này, về đến nhà, ông ngồi phịch xuống chiếu, rót cốc nước vối tươi tu ực một hơi chẳng nói năng gì. Thấy lạ, bà Liên hỏi: "Có chuyện gì mà đi họp về chẳng thấy ông nói năng gì cả? Mọi người không đồng ý ủng hộ hay sao?". "Đâu có, tất cả đều đồng ý hết nhưng mà … bực quá...". Rồi ông kể, hôm nay thôn họp triển khai vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo và một số nội dung khác ở thôn. Hội nghị thì đông đủ mọi thành phần, thế nhưng ngồi họp mà mỗi người trên tay một cái điện thoại di động, từ người trẻ đến cả người đứng tuổi. Trong khi họp, người thì đọc báo, người thì nhắn tin, gọi điện, chơi “gêm”. Chuông điện thoại cứ thỉnh thoảng lại réo lên ầm ĩ. Chẳng mấy người để ý đến nội dung họp bàn vấn đề gì, sẽ triển khai thực hiện ra sao? Ấy thế mà khi người chủ trì hội nghị đề nghị đóng góp ý kiến thì chẳng có ai tham gia phát biểu, tất cả đều đồng loạt nhất trí... vì người ta có nắm được nội dung gì đâu! Điều đáng nói, hầu như trong các hội trường, phòng họp đều có dán thông báo không sử dụng điện thoại hoặc để điện thoại ở chế độ hội họp. Thế nhưng tình trạng sử dụng điện thoại vẫn xảy ra khá nhiều trong các cuộc họp, từ thôn tới xã. Nhiều người vẫn "quên" tắt chuông, thậm chí một số người còn để âm lượng chuông lớn, ảnh hưởng đến cuộc họp. Đành rằng, điện thoại di động là phương tiện thông tin liên lạc cá nhân rất tiện ích và phổ biến hiện nay, song mỗi người nên có ý thức sử dụng điện thoại một cách văn minh, đúng nơi, đúng lúc.