Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018 công bố sáng 10/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) của Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra có thể thực hiện được. Theo dự báo của VEPR, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ vào khoảng 6,84% và chủ yếu tới từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi xuất khẩu của khu vực này vẫn chiếm hơn 72% tổng xuất khẩu của Việt Nam. VEPR nhận định không nên lạc quan về giá trị xuất khẩu, khi hàm lượng giá trị gia tăng trong nước là rất thấp.
Theo TS Lê Đăng Doanh, cần có sự phân tích thực sự nghiêm túc là chúng ta cần phải làm gì khi mà viễn cảnh dệt may không mấy lạc quan, lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam giảm đi rất nhiều, nhiều công đoạn trong dệt may thay thế bằng rô - bốt. Điểm nữa, theo phân tích của TS Lê Đăng Doanh thì nông lâm thủy sản của ta tăng vượt bậc nhưng nền nông nghiệp của ta chưa có chứng chỉ xuất xứ, chưa làm các thủ tục đăng ký, quy mô sản xuất trong nước vẫn nhiều nông trại nhỏ rất khó được gọi tên trên thị trường thế giới.
Trong bối cạnh thế giới còn nhiều biến động chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, các chuyên gia cho rằng, tương lai của nền kinh tế Việt Nam sẽ khó lường trước các cú sốc từ thị trường thế giới. Nhìn chung, kinh tế và thương mại toàn cầu sẽ giảm tốc khi các nền kinh tế dựng nên hàng rào thuế quan nhằm vào hàng hóa của nhau. Bên cạnh đó, sự đóng góp của dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng do tiến trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự chao đảo rất lớn, nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào dòng vốn nước ngoài. Và dòng vốn nóng này lại bị ảnh hưởng từ thị trường thế giới.
Ngoài ra, các chuyên gia đều lo ngại về mức lạm phát. Chỉ tiêu lạm phát bình quân dưới 4% sẽ đạt được nếu không có cú sốc lớn nào về giá năng lượng trong quý IV năm nay. Tuy nhiên, về lạm phát trong năm 2019, nếu giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao, Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu thì theo tính toán sơ bộ của VEPR, chỉ riêng sự thay đổi này có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng một năm tới tăng thêm 1,6 điểm phần trăm. Và khi lạm phát tăng sẽ kéo lãi suất tăng là lo lắng của nhiều DN.
DN ngày càng khó khănQuý III tiếp tục chứng kiến lượng DN tạm ngừng hoạt động nhiều bất thường so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số 24.501 DN tạm ngừng hoạt động, tăng tới 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng năm 2018, tổng số DN tạm ngừng hoạt động là 73.103 DN, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, số DN đăng ký tăng lên không cao, số lượng ngưng hoạt động lại tăng cao như báo cáo VEPR là do môi trường kinh doanh chưa thực sự được cải thiện. Năm nay là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết 35 hỗ trợ DN và năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng theo bà Lan, hiện các DN cho rằng môi trường kinh doanh không cải thiện được nhiều và họ vẫn rất khó khăn khi tiếp cận vốn cũng như sự rắc rối trong các thủ tục chính sách. “Nói là một cửa nhưng không gõ các cửa nhỏ thì vẫn tắc. Thực tế phiền hà nhũng nhiễu còn nhiều. Chi phí tuân thủ mất quá nhiều thời gian, tiền bạc của DN”- bà Lan chia sẻ.
Báo cáo cũng chỉ ra, tâm trạng lo lắng của các DN về tương lai Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập. Liệu có nắm được cơ hội 4.0 hay không là dấu hỏi rất lớn, thực sự khó. Bản thân các DN muốn đổi mới đều vấp phải khó khăn từ vốn, trong khi lãi suất chưa đủ hấp dẫn.