Tại hội thảo, câu chuyện về phí bảo trì đường bộ và phí cầu đường một lần nữa lại nóng lên khi nhiều DN lên tiếng kêu than về tình trạng “phí chồng phí” hiện nay.
Không nên đẩy bến xe ra xa trung tâmTrưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến những rối loạn trong vận tải và giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay là sự thiếu đồng bộ và chưa sát thực tiễn của những quy định, cơ chế quản lý. Ông Tuấn cho rằng, nếu muốn các DN tư nhân quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào phát triển giao thông vận tải thì phải chấm dứt tình trạng thiếu đồng bộ và thường xuyên thay đổi của hệ thống pháp luật như hiện nay.
|
Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. ảnh: Chiến Công |
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu trong hội thảo là chủ trương đẩy các bến xe ra xa trung tâm đô thị. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, hầu hết các địa phương đều có chung một quan niệm là muốn đẩy các bến xe ra xa trung tâm trong quá trình quy hoạch, xây dựng đô thị. Quan niệm trên không những không giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị mà còn khiến tình hình trật tự, ATGT và công tác vận tải hành khách bị ảnh hưởng, đặc biệt với vận tải hành khách theo tuyến cố định.
"Cần ngăn chặn ý đồ tận dụng các khu đất vàng nằm ngay trong lõi đô thị của các bến xe hiện nay để xây dựng các khu nhà cao tầng. Điều đó dễ phá vỡ trật tự quy hoạch kiến trúc, tăng thêm áp lực ùn tắc và tai nạn tại khu vực trung tâm." - Chuyên gia giao thông đô thị - TS Nguyễn Xuân Thủy |
Ông Thanh phân tích, khi các bến xe ở xa trung tâm, hành khách sẽ phải sử dụng thêm phương tiện để di chuyển đến đó. Điều này sẽ tạo ra sự rối loạn và tăng thêm sức ép cho giao thông. Đó là chưa kể khi bến xe ở xa, người dân sẽ có tâm lý ngại đi xa, họ tìm những kênh khác gần hơn. Khi đó, có cung ắt có cầu, tình trạng xe khách bỏ bến để chạy hợp đồng hoặc xe hợp đồng trá hình, xe dù, bến cóc sẽ có cơ hội phát triển. “Nếu tính trong phạm vi cả nước, số tiền hành khách đi xe phải bỏ ra đi từ nơi ở đến bến xe và từ bến xe về nơi ở tại trung tâm TP mỗi năm hết nhiều nghìn tỷ đồng. Đây là lãng phí xã hội rất lớn. Chưa kể đến lãng phí do ùn tắc giao thông gây ra còn lớn hơn nhiều” - ông Thanh nhận định.
Chịu đủ thứ phíPhó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng Đặng Thế Phương - quan tâm nhiều hơn đến tình trạng phí bảo trì đường bộ và phí cầu đường. Theo ông Phương, hiện nay xuất hiện rất nhiều tuyến đường được đầu tư, cải tạo trên cơ sở tuyến đường cũ do Nhà nước xây dựng từ trước đó nhưng chủ đầu tư lại được phép thu phí BOT giống như tuyến đường mới. Trong khi đó, tất cả các phương tiện đều đã phải đóng phí bảo trì đường bộ nhưng khi ra đường lại tiếp tục bị thu thêm phí BOT. Điều này là rất bất hợp lý và thiếu công bằng. Tình trạng “phí chồng phí” đã và đang tạo ra sức ép lớn về kinh tế cho người dân và DN.
Từ sự bất hợp lý trên, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đề nghị Chính phủ xem xét mức thu phí bảo trì đường bộ cho phù hợp với thu nhập của người dân, DN, mặt bằng giá cước. Đồng quan điểm trên, đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét giảm phí BOT tại các dự án BOT hiện nay. Điều này sẽ giúp DN vận tải bớt sức ép tài chính trong hoàn cảnh chi phí vận chuyển đang ở mức cao.