Tại Hội thảo, những cụm từ được các chuyên gia nhắc đến nhiều nhất là “sân sau” và “lợi ích nhóm”.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, BOT ở nước ta đang thiên về khái niệm là một chính sách ngành hơn là chính sách Quốc gia. “Vì nếu là chính sách quốc gia thì phải được bàn trong Quốc hội. Mà Quốc hội thì chưa hề bàn về nó một cách chính thống. Tôi cho rằng chính sách ngành PPP nói chung, BOT nói riêng của nước ta còn phiến diện, đơn giản và thiếu bài bản so với thế giới. Thậm chí là không đúng bản chất của PPP”.Phó Chủ tịch Quỹ chống hàng giả Việt Nam Phạm Ngọc Hùng nhìn nhận, trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, việc huy động vốn là vô cùng cần thiết. Các công ty tư nhân đã đóng góp rất nhiều trong việc phát triển kinh tế đất nước.
Tuy vậy, mặt trái của nó cũng mang lại hệ lụy lớn cho nền kinh tế xã hội. Vừa qua, hàng loạt dự án BOT bị người dân phản ứng bằng cách biểu tình hoặc dùng tiền lẻ qua trạm. Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề sẽ dẫn đến đối đầu giữa người dân và chính phủ. Ông Hùng còn cho rằng, cần phải nhận diện có hay không các DN “sân sau”, cấu kết chặt chẽ với một, hoặc một nhóm quan chức quyền lực để dự án được phê duyệt nhanh chóng, được bỏ qua những bất hợp lý về giá trị đầu tư... “Nếu có, DN BOT sân sau sẽ là nguy cơ lớn tạo ra “nhóm lợi ích” làm méo mó nền kinh tế gây ra bức xúc của người dân. Tôi đề nghị phải kiên quyết phải xử lý bằng hình sự nêu phát hiện doanh nghiệp sân sau” - ông Hùng phát biểu.Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Phong đánh giá, nhiều dự án BOT giao thông hiện nay không đảm bảo các tiêu chí như: lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định dự án; không tính tới ý kiến của các bên chịu tác động liên quan đến dự án, đặc biệt là người dân.“Hơn nữa, chúng ta đang triển khai ồ ạt các dự án BOT trong khi chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, vững chắc. Dẫn đến các dự án BOT bị méo mó vì “lợi ích nhóm”, bị DN thao túng nhằm tạo ra các kịch bản có lợi cho họ” - ông Phong nhấn mạnh.Phát biểu tại Hội thảo, Vụ phó Vụ chính sách, Văn phòng chính phủ Nguyễn Phước Thọ cho hay: “Tôi không phải nhà kinh tế, nhưng nghe các ý kiến cũng thấy hoang mang. Hình như chính sách BOT của chúng ta là không đúng. Tôi nghi ngờ một chính sách thực hiện hàng chục năm như chính sách xã hội hoá mà nói là chính sách ngành”.Ông Thọ khẳng định: “Đây là vấn đề lớn, chúng ta cần nhìn nhận lại. Nếu cứ để thế này thì từ mặt nhận thức đến chính sách đều không ổn. Không thể chấp nhận chính sách BOT mà gây gại cho Quốc gia, cho đất nước”.