Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bức xúc với truyền hình AVG

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tín hiệu chập chờn, đường hình “lệch” đường tiếng, thậm chí mất hoàn toàn...

Kinhtedothi - Tín hiệu chập chờn, đường hình “lệch” đường tiếng, thậm chí mất hoàn toàn tín hiệu kênh truyền hình vào đêm Giao thừa và mấy ngày Tết Nguyên đán là phản ánh của nhiều hộ dân ở nội thành Hà Nội về chất lượng Truyền hình An Viên - AVG (nay là MobiFone -Truyền hình An Viên).

Chất lượng đi xuống

Theo phản ánh của anh Cao Văn Hoài (đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội), khi Truyền hình AVG mới ra đời, chất lượng kênh khá tốt, nhưng gần đây sóng không ổn định, “cứ mưa là bị nhiễu, “ghép hình”, thậm chí mất tín hiệu hoàn toàn. “Giá cước của AVG tuy rẻ hơn nhưng với chất lượng kênh như vậy thì chúng tôi cũng không thể tiếp tục ký hợp đồng được” - anh Hoài bức xúc.

Tương tự, một số hộ dân ở Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang sử dụng truyền hình AVG cũng thường xuyên rơi vào cảnh “mất phim” vào các buổi tối.
Trung tâm Giám sát, điều độ và vận hành mạng từ xa (NCC) hiện đại của AVG.	  Ảnh:  Vĩnh Sơn
Trung tâm Giám sát, điều độ và vận hành mạng từ xa (NCC) hiện đại của AVG. Ảnh: Vĩnh Sơn
“Riêng đêm Giao thừa và mấy ngày Tết Nguyên đán vừa rồi thì bị “cách ly” hoàn toàn với sóng truyền hình vì đầu thu AVG mất hoàn toàn tín hiệu” - chị Nguyễn Thị Nguyệt (Linh Đàm, Hoàng Mai) cho biết. Trước đó, các hộ dân này cũng đã phản ánh tới tổng đài 19001900 của Truyền hình An Viên để được hướng dẫn xử lý sự cố, tuy nhiên tình trạng kể trên vẫn tái diễn gây bức xúc cho người sử dụng. Cụ thể là tối 20/2, tivi nhà chị Nguyệt vẫn hoàn toàn mất tín hiệu truyền hình AVG.

Thực tế thời gian qua, mặc dù chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ trên thị trường truyền hình trả tiền song AVG cũng được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng lẫn chất lượng đường truyền. Thời gian đầu khi mới ra đời, AVG luôn đảm bảo chất lượng hình ảnh và âm thanh sinh động, độ sắc nét và sự ổn định trong suốt quá trình sử dụng. “Mặc dù trong điều kiện thời tiết bất lợi vẫn xảy ra tình trạng tín hiệu hơi chập chờn và chất lượng hình ảnh không còn được như trong điều kiện bình thường. Song nhìn chung là tốt chứ không bất ổn như hiện nay” - anh Hoài chia sẻ.

Đã có nhiều khách hàng đặt câu hỏi: Liệu rằng quá trình chuyển nhượng từ AVG sang MobiFone có là nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng sóng AVG thời gian qua?

Không phải do chuyển nhượng

Trả lời báo Kinh tế & Đô thị ngày 22/2, đại diện AVG khẳng định, quá trình chuyển nhượng từ AVG sang MobiFone hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới chất lượng kênh, chất lượng dịch vụ và quyền lợi khách hàng của AVG. Lý giải về tình trạng khách hàng gặp phải vừa qua, đại diện AVG cho rằng: “Khu vực Linh Đàm thời gian qua có nhiều nhà cao tầng mới xây dựng và một số hướng thu sóng bị che chắn làm ảnh hưởng đến thu sóng của một số hộ dân. AVG đã khảo sát và lập kế hoạch bổ sung thêm trạm, tăng cường sóng cho khu vực này”.

Tuy nhiên, trên thực tế, những hộ dân gặp phải tình trạng mất kênh, mất sóng truyền hình vừa qua đều sinh sống ở các tòa chung cư cao tầng, đầu thu và ăng - ten thu đều đặt ở gần cửa sổ, mặt thoáng, hoàn toàn không bị che chắn bởi tòa nhà cao tầng nào khác. Do đó, câu trả lời của đại diện AVG là chưa thực sự thuyết phục. Một hướng giải thích khác là chất lượng đầu thu AVG có thể bị ảnh hưởng bởi can nhiễu của thiết bị điện tử với mức độ khác nhau (máy giặt, máy bơm, điều hòa, lò vi sóng, ti vi, tủ lạnh...) và can nhiễu từ trạm BTS của mạng truyền hình cáp… Phía AVG cho biết sẽ cử nhân viên kỹ thuật đến khu vực Linh Đàm để đo kiểm khảo sát và có câu trả lời sớm nhất cho khách hàng.

Xung quanh nghi vấn về chất lượng đầu thu và ăng – ten thu của AVG, đại diện AVG tự tin khẳng định trong quá trình đưa đầu thu AVG ra thị trường, DN đều có thu thập thông tin, thống kê, đánh giá chất lượng đầu thu theo tỷ lệ đã đưa ra thị trường. Tuy nhiên, những lý giải của AVG về chất lượng phát sóng vẫn chưa thuyết phục được người tiêu dùng.