Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bún mọc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bún mọc, thức quà không chỉ quen thuộc với những người yêu ẩm thực Hà thành, mà đã trở thành một nét đặc sắc của nền văn hóa ẩm thực Việt.

Tương truyền, xuất phát từ làng Mọc (Nhân Mục, Nhân Chính), nay là quận Thanh Xuân, bún mọc có mặt khắp nơi trên đất Hà thành, từ những quán xá bình dân đến những nhà hàng sang trọng. Sự kết hợp tự nhiên của bún, mọc, sườn non và dọc mùng đã tạo nên hương vị đặc trưng riêng của món ăn này

Bún mọc là món bún dân dã, bình dị, nhưng để có được bát bún ngon cần phải có sự tỉ mỉ, biết pha trộn gia vị hài hòa. Nguyên liệu chính của bún mọc gồm: Sườn non, chả quế thái miếng, giò sống, nấm mèo, bún, rau sống, mắm tôm, hành, ngò, hành phi. Nước dùng cũng là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến hương vị của bát bún, nước dùng ngon phải được hầm từ xương, trong vắt, không có bọt và nhất là phải ngọt tự nhiên.

Nhưng cái cầu kỳ nhất lại nằm ở phần "nhân", tức là các loại chả ăn kèm. Hầu hết đều làm từ giò sống, tuy nhiên do cách chế biến khác nhau mà tạo ra sự phong phú đến ngạc nhiên. Mỗi nhà hàng, mỗi quán có một đặc trưng riêng, mỗi khu vực đều có một điểm mạnh thu hút sự chú ý của thực khách. Giò sống xay nhuyễn, trộn với thịt băm sống, cùng với nấm hương, mộc nhĩ theo tỷ lệ vừa đủ, và gia giảm thêm một vài gia vị đặc biệt mà chủ quán không tiết lộ để cho ra đời những viên mọc nhìn thì giản dị, nhưng khi chạm nơi đầu lưỡi lại mang đến những xúc cảm khó quên nơi thực khách.

Hà Nội có nhiều địa điểm thưởng thức món bún mọc ngon như: Bún dọc mùng Bát Đàn, bún mọc tiết chợ Đồng Xuân, bún mọc ngõ Thái Lợi, Bạch Mai… Từ Hà Nội, món bún mọc đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành, nhưng với những người yêu ẩm thực Hà thành, bún mọc trên đất Hà Nội vẫn có những đặc trưng, hương vị riêng không trộn lẫn.