Lý lẽ mà các bộ, ngành đưa ra là do Luật Xây dựng mới ban hành không có biện pháp này.
Ngay sau khi nhận được câu trả lời, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản bày tỏ sự quan ngại mất kiểm soát trật tự xây dựng. Theo đó, việc bãi bỏ quy định này chẳng khác nào lấy đi “bảo bối” của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát các công trình vi phạm bị đình chỉ xây dựng. Lo ngại có cơ sở Một số ý kiến cho rằng, sau khi quy định trên không còn tồn tại có thể khiến nhiều công trình vi phạm có “cơ hội” chống lại quyết định đình chỉ của cơ quan chức năng. Câu hỏi liệu việc bỏ quy định này có làm bùng phát tình trạng các công trình “cố tình” sai phạm nhanh chóng được dư luận quan tâm. “Thực tế, có những công trình cố tình phớt lờ quyết định đình chỉ thi công, chỉ tới khi dùng tới biện pháp cắt điện, nước thì mới “sợ” và tháo dỡ phần sai phạm. Nay tước bỏ đi quy định “rắn” này thì khó bắt buộc họ chấp hành quyết định của cấp có thẩm quyền. Không phải chủ công trình sai phạm nào cũng nghiêm túc hợp tác với các cơ quan chức năng. Nếu vẫn có điện, nước, họ lại tranh thủ xây ngày, xây đêm vì cơ quan chức năng không thể túc trực canh giữ 24/24 giờ. Tới khi công trình được hoàn thiện thì càng phức tạp hơn trong khâu xử lý vi phạm, gây áp lực tâm lý nặng nề cho cả cơ quan quản lý lẫn người vi phạm” - một cán bộ trật tự xây dựng nhấn mạnh. Theo ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: "Biện pháp cắt điện, nước không sử dụng tràn lan mà chỉ áp dụng với những công trình cố tình sai phạm. Tuy nhiên, biện pháp quyết liệt này lắm lúc còn chẳng ăn thua bởi chủ đầu tư tìm đủ mọi cách lách như “câu” điện, nước về để tiếp tục vi phạm. Nếu bỏ hẳn không cắt điện, nước nữa thì ai đảm bảo số lượng công trình vi phạm xây dựng không tăng? Không thể chỉ quay lại cách nguyên sơ ban đầu là áp dụng hình thức phạt tiền được. Tiền phạt thì chủ đầu tư vẫn cứ nộp, rồi đâu lại vào đấy. Một khi vẫn phải bỏ quy định này do không khớp với các quy định pháp luật, thì tôi đề nghị phải có những quy định bổ sung nhằm tăng cường quản lý trật tự xây dựng”. Trao đổi với phóng viên về đề xuất tăng thẩm quyền cho phường, xã trong giải quyết công trình sai phạm, các chuyên gia cũng cho rằng, thực tế triển khai không khả thi. UBND phường không có các bộ phận chuyên môn để kiểm định công trình đó sai phạm thế nào, ảnh hưởng đến nhà lân cận ra sao để ra quyết định đình chỉ thi công, cũng không thể biết được mức độ thiệt hại là bao nhiêu để quyết định mức bảo lãnh và cho công trình gây sự cố tiếp tục được thi công. Trả lại tình trạng trước khi vi phạm Ở một góc nhìn khác, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho hay: “Chủ đầu tư trả tiền thì họ phải được sử dụng điện, nước nên không vì lý do họ vi phạm xây dựng mà cắt điện, cắt nước được. Chúng ta phải đảm bảo quyền con người. Việc công trình của họ vi phạm, sai pháp luật thì nên xử lý theo pháp luật. Tôi cho rằng, không nên “gộp” hai việc này vào nhau. Việc bỏ quy định này là hợp lý. Chúng ta cần thực hiện đúng những quy định về xử lý vi phạm hành chính, trong đó yếu tố quan trọng không phải là chủ đầu tư nộp bao nhiêu tiền vi phạm, mà phải trả lại tình trạng trước khi hành vi vi phạm xảy ra”. Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT Reesenco Sông Hồng, nếu cắt điện, cắt nước thì liên quan đến người sống đang hiện hữu, vì trong khu xây dựng đó không chỉ độc đơn vị xây dựng. Mỗi lần cắt điện, đóng nước không chỉ đơn giản là một thao tác mà là cả quy trình. Khi chủ công trình trái phép khắc phục được sai phạm cần triển khai xây dựng lại ngay thì vướng quy trình này, dễ làm méo mó vấn đề DN làm ăn. "Bỏ biện pháp trên theo tôi là cần thiết, chúng ta không cần những giải pháp mang tính chất thô bạo, gây bức xúc trong cộng đồng DN” - ông Điệp nhấn mạnh. Vấn đề đặt ra trước mắt là khi bắt buộc phải bỏ biện pháp cắt điện, nước thì cơ quan quản lý sẽ áp dụng biện pháp gì, cơ chế cụ thể ra sao để ngăn chặn và xử lý hữu hiệu trường hợp cố tình không chấp hành quyết định đình chỉ thi công? Có chăng phải quy định trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu trong trường hợp cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu dừng thi công nhưng họ vẫn tiếp tục thực hiện. Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị vẫn duy trì quy định này nhưng phân loại cụ thể những đối tượng bị cắt điện, nước. Trên thực tế có trường hợp chỉ xây sai phép một phần rất nhỏ, trong khi phần công trình chính còn lại vẫn đúng phép. Khi đó, việc cắt điện, nước sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, đối với công trình không phép mà không thuộc diện được cấp phép xây dựng, tức phải tháo dỡ thì không cung cấp điện, nước là biện pháp tốt để đảm bảo trật tự kỷ cương. Để thực thi hiệu quả vấn đề này, cơ quan chịu trách nhiệm thực thi cần thống nhất với cơ quan điện lực là chỉ gắn điện kế sinh hoạt cho trường hợp có giấy tờ phù hợp với mục đích sử dụng.
Biện pháp cắt điện, nước công trình sai phạm sẽ bị bãi bỏ trong thời gian tới. Ảnh: Công Hùng |
Luật sư Bùi Sinh Quyền, Đoàn Luật sư Hà Nội Hiệu quả, nhưng nên dừng Nhìn vào hiệu quả, việc cắt điện, nước công trình trái phép là biện pháp khá hữu hiệu trong việc buộc chủ đầu tư ngưng xây dựng công trình. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý cưỡng chế công trình vi phạm bằng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước là xâm phạm đến quyền công dân. Các hợp đồng cung cấp điện, nước là hợp đồng mang tính chất dân sự thỏa thuận tự nguyện. Thẩm quyền ngưng cung cấp điện, nước thuộc quyền của bên bán những mặt hàng này khi bên sử dụng dịch vụ chậm thanh toán tiền. Theo đó, bất cứ đơn vị nào tự ý đơn phương ngừng cung cấp dịch vụ trên khi công trình sai phạm là không đúng thẩm quyền, không phù hợp với quy định của pháp luật. Việc cơ quan quản lý không áp dụng quy định này nữa là một động thái sửa sai, hướng đi đúng đáng lẽ phải làm từ lâu. |