Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước chuyển mình ở vùng chiêm trũng

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những bất lợi của một vùng chiêm trũng, người dân xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa đã chủ động chuyển đổi sản xuất sang cách làm mới.

Hiện nay, mô hình sản xuất đa canh ở địa phương đang cho hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần cách làm truyền thống trước đây.
 Một vốn... nhiều lời
Xã Hòa Lâm có tổng diện tích đất nông nghiệp 670ha, chủ yếu ở vùng chiêm trũng. Hàng năm, nơi đây thường xảy ra ngập úng nên hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Không chịu đầu hàng, người dân đã biến chính những bất lợi đó thành cơ hội thay đổi cuộc sống. Theo đó, người  Hòa Lâm đã tích cực chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa cho thu hoạch thất thường sang mô hình sản xuất đa canh lúa – cá – vịt. Một trong những mô hình tiêu biểu cho hiệu quả kinh tế cao nhất là mô hình đa canh lúa - cá - ốc kết hợp chăn nuôi vịt, được đánh giá là “một vốn... nhiều lời”.

Ông Nguyễn Văn Hải giới thiệu mô hình lúa - cá - ốc của gia đình.  Ảnh: Nguyễn Nga

Ông Nguyễn Văn Hải, thôn Cống Khê là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi canh tác ở địa phương, nay đã trở thành triệu phú của vùng chiêm trũng. Ông Hải chia sẻ, gia đình có 1ha ruộng nằm hoàn toàn trong vùng trũng. Trước đây, diện tích sản xuất này cấy 2 vụ lúa nhưng cho thu nhập bấp bênh. Năm 2003, ông quyết định chuyển đổi sang mô hình đa canh cấy 1 vụ lúa xen canh với thả cá, ốc và chăn vịt. Toàn bộ diện tích 1ha được cải tạo quy củ thành nhiều ô, thửa. Xung quanh bờ ruộng được kè bê tông kiên cố, có thiết kế cống thoát để dễ dàng điều chỉnh lượng nước cho phù hợp. Phần trên bờ, ông quây gọn để nuôi 6.000 con vịt, phân vịt là nguồn thức ăn chính của ốc và cá. Hàng năm, tổng doanh thu từ nuôi ốc, cá, trồng lúa và nuôi vịt, gia đình thu được trên 1 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại cao gấp hàng chục lần cấy lúa trước đây. Theo ông Hải, việc kết hợp nuôi ốc, cá trong ruộng lúa có lợi nhiều mặt. Từ khi cấy đến lúc thu hoạch, người nông dân không phải sử dụng thêm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Hạt gạo làm ra sạch, không có dư lượng thuốc trừ sâu.
Từ mô hình thành công của gia đình ông Hải, nhiều hộ dân ở Hòa Lâm đã học tập làm theo. Đến nay, thôn Cống Khê có 152 hộ thì có đến trên 50% số hộ chuyển đổi làm mô hình này. Nhờ vậy, đời sống của người dân khấm khá hơn, không còn canh cánh nỗi lo mất mùa như trước đây.
Chuyển động mạnh mẽ
 Chủ tịch UBND xã Hòa Lâm  Lê Ngọc Điểm cho biết, để khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi mô hình canh tác, phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã Hòa Lâm đã tiến hành dồn đổi ruộng đất, đầu tư cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, xây dựng hệ thống điện ngoài khu vực chuyển đổi. Vùng đồng trũng đã được chuyển đổi sang sản xuất đa canh, chủ yếu là mô hình lúa – cá – vịt. Hiện nay, toàn xã đã chuyển đổi được 300ha, cho hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần so với cấy lúa trước đây. Trung bình mỗi héc ta có doanh thu khoảng 180 triệu đồng/năm. Nhờ chuyển đổi mô hình đa canh mà thu nhập của người dân được nâng cao, đời sống văn hóa tinh thần được đảm bảo. Người dân tích cực tham gia đóng góp vào phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, việc sản xuất của người dân nơi đây cũng đang gặp khá nhiều khó khăn. Việc canh tác phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả thị trường bấp bênh, đầu ra của sản phẩm không được đảm bảo. Tình trạng nông dân phải tự tìm đầu mối tiêu thụ và được mùa rớt giá là điệp khúc vẫn thường diễn ra nhiều năm nay. Hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng chưa được cứng hóa, gây trở ngại trong việc vận chuyển hàng hóa của người dân. “Cơ sở hạ tầng yếu kém cũng là một trở ngại trong việc thu hút các DN đầu tư vào địa phương. Hiện nay, cả xã không có một DN nào” – ông Điểm cho biết.