Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước chuyển trong thu hút FDI

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần trong 4 tháng đầu năm đạt 10,95 tỷ USD, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, con số này tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Tăng chất lượng với hàng loạt dự án tỷ USD
Trong số này, có 4,88 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới của 734 dự án; và có 4,36 tỷ USD của 345 lượt dự án tăng vốn đầu tư. Ngoài ra, còn có 1,35 tỷ USD của 1.687 lượt góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.
Việc thu hút dòng vốn FDI mang lại nhiều lợi ích, đi cùng với lượng, Việt Nam đang nỗ lực để gia tăng cả yếu tố chất. Sau dự án tăng vốn đầu tư của Samsung Display thêm 2,5 tỷ USD, đã có dự án tỷ USD thứ hai đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Đó là dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, vốn đầu tư 1,27 tỷ USD do NĐT Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư. Ngoài ra, trong 4 tháng có thể điểm các dự án lớn như: Dự án nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) do NĐT Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 485,8 triệu USD; Dự án nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư 319,8 triệu USD. Dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III, tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD do Singapore đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp…

Kiểm tra sản phẩm điện tử tại Công ty Samsung Việt Nam.  Ảnh:  Hải Linh

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), thời gian qua, Chính phủ đã thắt chặt hơn những yêu cầu về bảo đảm môi trường đối với các dự án đầu tư, nên quá trình giải ngân của dự án này bị chậm lại để chờ bổ sung các khoản đầu tư máy móc, thiết bị xử lý vấn đề môi trường. Có thể nói, mặc dù quá trình giải ngân của không ít dự án khác cũng bị chậm lại do nguyên nhân tương tự, nhưng vốn FDI giải ngân trong 4 tháng vẫn đạt được mức 4,8 tỷ USD, cao hơn mức 4,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016. Tiếp tục đà tăng này, dự báo vốn FDI thực hiện cả năm 2017 sẽ đạt mức khoảng 16 - 17 tỷ USD và là mức rất khả quan.
Cải thiện hạ tầng, môi trường kinh doanh
Việc thu hút được ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài đã thể hiện mức độ tín nhiệm của NĐT đối với Việt Nam cao hơn, nâng cao vị thế cạnh tranh của thị trường nội địa với nước ngoài, đồng thời là nguồn vốn mồi giúp tạo ra những hệ quả tích cực cho nền kinh tế. Để tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn FDI, Chính phủ không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo số liệu của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đang đạt khoảng 5,7% GDP trong những năm gần đây, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ hai tại châu Á sau Trung Quốc. ADB cũng đánh giá, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đột phá thể chế cũng được Việt Nam xây dựng và đang thực hiện quyết liệt là những bước chuyển quan trọng để Việt Nam thu hút FDI.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong quá trình ra quyết định đầu tư vào một địa phương, NĐT cân nhắc đến rất nhiều yếu tố. Trước hết là địa phương đó phải có vị trí thuận lợi. Thứ hai, phải có hạ tầng tốt, như phải có điện, nước, đường sá tốt. Thứ ba là các yếu tố khác như chi phí xây nhà máy phải thấp.
Ngoài các yếu tố trên, ông Tuấn thừa nhận, những yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư tại các địa phương đó là kiên quyết trong việc giảm thời gian giải quyết công việc cho DN; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tập trung cải cách thủ tục một số lĩnh vực còn nhiều vướng mắc như đất đai, xây dựng, lao động, hải quan…; xử lý nghiêm cán bộ công chức, viên chức gây sách nhiễu, phiền hà, khó khăn cho DN... Những cải thiện này luôn được đánh giá cao và tạo niềm tin cho NĐT, trong đó có NĐT FDI.

4 tháng qua, khu vực FDI xuất khẩu đạt 44,05 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 71,82% kim ngạch xuất khẩu.