Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước đi vững chắc của Đan Phượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, cán bộ, đảng viên và người dân Đan Phượng đang náo nức chuẩn bị đón niềm vui lớn. Đó là Bằng công nhận huyện Nông thôn mới (NTM) của Thủ tướng Chính phủ và khi đó, Đan Phượng sẽ chính thức là huyện đầu tiên của TP Hà Nội cán đích mục tiêu Chương trình 02 – CTr/TU.

 Đây là vinh dự lớn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Đan Phượng – nơi khởi nguồn của phong trào Ba đảm đang năm xưa.

Sức sống mới

Còn nhớ vài ba năm trước, đường giao thông trong thôn xóm ở các xã trong huyện chật hẹp, gồ ghề với những ổ gà, ổ trâu. Nắng thì bụi, mưa thì lầy lội. Nhưng cũng chỉ từng ấy năm, kể từ khi chính quyền và người dân nơi đây bắt tay xây dựng NTM, những con đường đã thênh thang, phẳng lỳ bê tông hóa, nhựa hóa nhờ sự góp sức, chung tay hiến đất làm đường. 
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái thăm mô hình trồng hoa tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Ảnh: Thắng Văn
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái thăm mô hình trồng hoa tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Ảnh: Thắng Văn
Không giấu nổi niềm vui, cụ Quách Văn Ngọc, thôn Tháp Thượng, xã Song Phương, năm nay 88 tuổi, cười rung chòm râu bạc khi kể cho phóng viên về những ngày đầu thôn, xã vận động Nhân dân xây dựng NTM. “Khó lắm” - cụ bảo: “Mỗi người một ý, rồi đóng góp công sức ra sao, kinh phí thế nào”. Từ khi về lại Thủ đô, đất đai tăng giá vùn vụt, mỗi mét đất là cả triệu đồng. Quả là không dễ. Thế nhưng, mưa dầm thấm lâu. Đại diện chính quyền, các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền, giải thích rõ chủ trương và nhất là lợi ích mà người dân được hưởng lợi. Làm cho mình, cho con cháu mình hưởng, làng quê sạch đẹp, yên vui. Thế thì còn tiếc gì nữa vài mét đất. Từ chỗ ban đầu chỉ vài người, sau cả xóm. Rồi xóm này lan sang xóm khác, thôn này học tập thôn kia. Cả xã lại rạo rực khí thế thi đua, chẳng khác cái thời Ba đảm đang năm nào. 

Niềm vui của cụ Ngọc cũng là niềm vui chung của người dân Đan Phượng. Hiếm có địa phương nào quy hoạch và thực hiện quy hoạch khu vực nông thôn với hệ thống đường giao thông, cụm công nghiệp làng nghề, công viên, khu sinh thái, trường học... bài bản và quy củ như Đan Phượng. 

Theo thống kê của UBND huyện Đan Phượng, trong hơn 4 năm qua, toàn huyện đã đầu tư xây dựng 6 tuyến đường liên xã dài 12,8km với mặt cắt từ 13 – 20m, 22km đường trục thôn và trên 130km đường ngõ xóm. Tổng kinh phí xây dựng đường giao thông lên tới hơn 457 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp khoảng 130 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường học trên địa bàn huyện cũng được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, từng bước hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Toàn huyện có 38/48 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó tỷ lệ đạt chuẩn ở cấp tiểu học đạt 100%. Huyện còn xây dựng, cải tạo được 105 nhà văn hóa xã, thôn, cụm dân cư, tạo nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân. Đến nay, Đan Phượng có 6 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với trên 500 DN vừa và nhỏ, thu hút khoảng 6.200 lao động. 
Mô hình trồng hoa cho thu nhập cao tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.
Mô hình trồng hoa cho thu nhập cao tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.
Về phát triển sản xuất, Đan Phượng là một trong những địa phương đi đầu TP về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm diện tích trồng cây lương thực sang trồng rau, hoa, cây cảnh cho thu nhập cao. Toàn huyện đã chuyển đổi được 951ha từ đất lúa sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa như rau an toàn Phương Đình, hoa Hạ Mỗ, Đan Phượng, cây ăn quả Thượng Mỗ... Hiệu quả kinh tế của các mô hình đạt bình quân từ 160 – 250 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người tiếp tục được tăng lên, năm 2015 ước đạt 28,8 triệu đồng/người/năm, gấp 2,06 lần so với năm 2010. 

Tính đến nay, huyện có 13/15 xã đạt chuẩn NTM, còn lại 2 xã Hồng Hà (đã đạt 14 tiêu chí) và Thọ Xuân (đã đạt 17 tiêu chí), phấn đấu về đích trong năm 2015. Hiện nay, hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận huyện NTM của Đan Phượng đã hoàn tất. Đây không chỉ là niềm vui của chính quyền và Nhân dân Đan Phượng mà còn là niềm tự hào của toàn TP, nhất là trước kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI.

Minh bạch tạo sự đồng thuận

Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng NTM của huyện Đan Phượng, yếu tố quan trọng không thể thiếu là sự tham gia tích cực của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Chia sẻ về bí quyết thành công trong vận động Nhân dân tham gia xây dựng NTM, bà Nguyễn Thị Thám – Trưởng thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng cho biết, người lãnh đạo phải quyết tâm, nhiệt huyết với công việc và đặc biệt là “nói phải đi đôi với làm”. Cách thức tổ chức thực hiện phải đảm bảo minh bạch, dân chủ và công khai. Cụ thể như khi làm đường giao thông, mọi công việc đều được bàn bạc dân chủ, công khai. Các ngõ xóm triển khai làm đường tới đâu ghi chép đầy đủ đến đó, bảng chấm công được đặt ngay ở đầu ngõ để ai cũng có thể theo dõi, nắm bắt tình hình. Nhờ đó, các gia đình đều tích cực tham gia góp công, góp của chung sức xây dựng NTM. 

Theo ông Nguyễn Tất Thắng – Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện cũng gặp nhiều khó khăn như sản xuất manh mún, phân tán, năng suất, hiệu quả kinh tế không cao. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã nảy sinh nhiều vấn đề mới như ô nhiễm làng nghề, tiêu thoát nước trong khu dân cư, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau thu hồi đất... Chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương, ông Thắng cho biết, muốn làm tốt xây dựng NTM, công tác tư tưởng phải đi trước một bước. Theo đó, bắt tay vào xây dựng NTM, huyện đã xác định đây là chương trình trọng điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn suốt nhiệm kỳ 2010 – 2015 và những năm tiếp theo. Bởi vậy, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM được huyện quan tâm tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sát đối tượng nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Một kinh nghiệm nữa là phải có phương pháp và cách làm phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, không triển khai dàn trải, khuôn mẫu. Phương châm được Huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng quán triệt là xác định mỗi xã có đặc thù riêng, nhóm tiêu chí nào thực hiện trước để vừa giải quyết nhu cầu bức xúc của Nhân dân, vừa tạo ra động lực để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo có hiệu quả. Huyện cũng phân công lãnh đạo xuống từng xã, thôn để theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các xã và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cách làm quyết liệt, sáng tạo của huyện Đan Phượng đã được Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP đánh giá rất cao. Thời gian qua, Đan Phượng đã đón hàng trăm đoàn đại biểu trên địa bàn TP, trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng NTM. 

Có thể nói, thành công của huyện Đan Phượng trong xây dựng NTM là minh chứng sinh động cho chủ trương đúng đắn của Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, tạo nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống ở ngoại thành và người dân thực sự đóng vai trò làm chủ.