Trung Quốc có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt cao su nghiêm trọng – thường phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước – sau khi có báo cáo về bước đột phá công nghệ giúp chiết xuất nguồn nguyên liệu này từ một loài cây bản địa.
Vào hôm thứ Ba, Nhật báo Khoa học và Công nghệ cho biết Eucommia ulmoides, một loài cây nhỏ có nguồn gốc từ Trung Quốc, có khả năng cung cấp một lượng lớn cao su khi tăng độ tinh khiết chiết xuất lên hơn 99%.
Bước đột phá này được công bố ở thời điểm nền kinh tế thứ hai thế giới đang chuyển hướng sang phát triển nền kinh tế tự cung tự cấp, tìm cách củng cố chuỗi cung ứng nội địa trong bối cảnh gia tăng nhu cầu về nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc phải nhập khẩu hơn 80% lượng cao su tự nhiên cần thiết mỗi năm.
Báo cáo cho biết nhóm nghiên cứu từ Đại học Northwest A&F đã xác định được các điều kiện cần thiết để loại cao su này có tính chất tương đồng với cao su tự nhiên và cao su nitrile – một loại cao su thường được sử dụng khác.
Sự phát triển này sẽ là tin vui cho thị trường cao su cao cấp tại Trung Quốc, nhờ vào một loạt những lợi ích của việc sử dụng cao su từ cây Eucommia, như khả năng chống mài mòn cao, đàn hồi tuyệt vời và chống trơn trượt.
“Đây sẽ là nguồn cao su quan trọng để thay thế cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ dầu mỏ nhằm sản xuất lốp xe chất lượng cao” – Giáo sư Zu Mingqiuang và nhóm của mình viết trong một bài nghiên cứu riêng được công bố vào tháng trước trên một tạp chí quốc tế có tên gọi: “Cây trồng và Sản phẩm công nghiệp”.
Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu cao su tự nhiên, một loại polymer có nguồn gốc chủ yếu từ cây Hevea brasiliensis (cây cao su) đã tăng lên trong thập kỷ qua cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng về sản lượng công nghiệp.
Vào tháng 10, Wang Lijuan, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su tự nhiên Trung Quốc cho biết tại một diễn đàn ở Thượng Hải rằng nền kinh tế số hai thế giới cần hơn 6 triệu tấn cao su tự nhiên mỗi năm, chiếm đến 40% sản lượng toàn cầu.
Theo bà Wang, năm ngoái, Trung Quốc đã sản xuất 856.000 tấn cao su trong nước, chủ yếu đến từ tỉnh đảo phía Nam Hải Nam và một phần của tỉnh Vân Nam phía Tây Nam.
Bà cho biết thêm các nước Đông Nam Á đang là nguồn nhập khẩu cao su tự nhiên chính của Trung Quốc, trong đó Thái Lan đang dẫn đầu.
Trong khi đó, Eucommia ulmoides được trồng rộng rãi tại Trung Quốc nhưng thường được sử dụng để làm thuốc.
Theo ông Zhu, loại cây này trước đây chưa được sử dụng để sản xuất cao su trong thương mại do phương pháp chiết xuất thường tốn kém, không hiệu quả và gây ô nhiễm cho môi trường.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sản xuất 1,2 triệu tấn cao xu từ cây Eucommia ulmoides mỗi năm nếu đáp ứng được diện tích trông cần thiết là 3 triệu ha vào năm 2030, mục tiêu mà Cục Kiểm lâm của quốc gia này đặt ra kể từ năm 2016 - Zhu cho biết thêm.