Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước đường cùng của DN

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm nay, sự kiện Ngày Nhân sự Việt Nam 2010 được tổ chức với chủ đề chính là “Chiến lược nhân sự trong bối cảnh mới”.

KTĐT - Năm nay, sự kiện Ngày Nhân sự Việt Nam 2010 được tổ chức với chủ đề chính là “Chiến lược nhân sự trong bối cảnh mới”. Đây là một nấc thang tiếp theo, nối tiếp sự thành công của Vietnam HR Day 2009, ngoài kết nối và tôn vinh nghề, cộng đồng nhân sự sẽ tập trung vào các chủ đề trọng tâm, thực tiễn và thời sự nhất trong quản trị nguồn nhân lực tại doanh nghiệp. 

Việc thuê lao động người nước ngoài là “bước đường cùng” của các doanh nghiệp. Để cải thiện tình hình này, ngành giáo dục Việt Nam cần có những cải cách thích đáng về nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo, để chất lượng đào tạo (đầu ra) đạt được những chuẩn mực chung trong khu vực và cao hơn là trên thế giới.

Nhân sự kiện ngày Nhân sự Việt Nam 2010 (HR Day 2010), Đào Trọng Khang (ảnh), Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Quản lý nhân sự DTK, thành viên Ban tổ chức HR Day 2010 đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

*Thưa ông, đây là lần thứ 2 diễn đàn lớn nhất về nhân sự được tổ chức, chủ đề chính của HR Day 2010 là gì?

Ông Đào Trọng Khang: Năm nay, sự kiện Ngày Nhân sự Việt Nam 2010 được tổ chức với chủ đề chính là “Chiến lược nhân sự trong bối cảnh mới”. Đây là một nấc thang tiếp theo, nối tiếp sự thành công của Vietnam HR Day 2009, ngoài kết nối và tôn vinh nghề, cộng đồng nhân sự sẽ tập trung vào các chủ đề trọng tâm, thực tiễn và thời sự nhất trong quản trị nguồn nhân lực tại doanh nghiệp. 

*Với vai trò là người đi tiên phong trong việc thành lập diễn đàn về nhân sự và là Giám đốc một công ty tư vấn quản lý nhân sự, ông có thể đánh giá khái quát về thực trạng thị trường nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay?

Ông Đào Trọng Khang: Do nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như của các tổ chức khác, cùng với nhu cầu phát triển sự nghiệp cá nhân của chính người lao động, thị trường lao động hiện nay rất sôi động. Các doanh nghiệp và tổ chức (người sử dụng lao động) luôn có nhu cầu tuyển dụng mới và thay thế, trong khi một lượng đáng kể người lao động cũng có nhu cầu thay đổi công việc vì các lý do thăng tiến, tăng thu nhập, phát triển cá nhân. Ngoài ra, cũng cần nhìn đến đội ngũ sinh viên mới tốt nghiệp hàng năm cần tìm cho mình một việc làm ổn định.

Tuy Cung và Cầu lao động rất lớn, song lại chưa có được sự cân bằng về cơ cấu, xét trên các góc độ chuyên môn và địa lý. Cụ thể như kinh nghiệm và kỹ năng của người lao động, lĩnh vực ngành nghề, hoặc việc tuyển dụng lao động chuyên môn và quản lý cho các khu công nghiệp hiện nay là rất khó khăn.

*Nói đến kinh nghiệm và kỹ năng của người lao động, tức là nói đến chất lượng nguồn nhân lực. Đây được xem là một trong 3 nút thắt tăng trưởng của Việt Nam hiện nay, cùng với những yếu kém về cơ sở hạ tầng và thể chế. Để khắc phục được điểm yếu này, theo ông, Việt Nam cần phải có một chiến lược như thế nào?

Ông Đào Trọng Khang: Tôi cho rằng cần phải có những nỗ lực chung trên nhiều bình diện khác nhau gồm: doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo các cấp, chính sách vĩ mô trong giáo dục và đào tạo, xã hội, và gia đình.

Chẳng hạn như để một sinh viên mới ra trường có những kỹ năng đáp ứng cho yêu cầu công việc của một nhân viên khởi điểm như trợ lý, ngoài các kiến thức rất cơ bản liên quan đến lĩnh vực công việc, ngoại ngữ, tin học, sinh viên cần có các kỹ năng mềm trong các lĩnh vực như giao tiếp-ứng xử, làm việc nhóm, tổ chức công việc, quản lý thời gian, đàm phán, thuyết trình...

Như vậy ngay từ khi đang đi học, sinh viên cần được trang bị những kỹ năng này, trong nhà trường hay thông qua các khóa học ngắn ngày, đi thực tập, làm việc bán thời gian; sinh viên cần được sự ủng hộ của nhà trường, gia đình và xã hội trong quá trình đào tạo và tự đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

*Lao động giá rẻ từng được xem là thế mạnh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng hiện nay lực lượng này đang bị xem là gánh nặng cho sự phát triển. Vậy làm thế nào để giải quyết tình trạng này, thưa ông?

Ông Đào Trọng Khang: Theo tôi, các nhà hoạch định chính sách cần có những nghiên cứu chính sách và thực tiễn ở tầm quốc gia để xác định cơ cấu ngành nghề nào là hợp lý nhất trong bối cảnh phát triển hiện tại của đất nước và trong vài chục năm tới. Trên cơ sở đó, cần có những thay đổi thích hợp trong chiến lược đào tạo, từ bậc đại học cho tới đào tạo nghề, định hướng và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Ví dụ, trong công nghiệp, muốn tăng tỷ trọng của giá trị gia tăng, phải thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ chứ không chỉ dừng ở mức lắp rắp. Muốn vậy, cần có chính sách, hành lang pháp lý và cơ chế khuyến khích phát triển đối với công nghiệp phụ trợ, chẳng hạn như ưu đãi về đất đai xây dựng nhà xưởng, nguồn vốn, thuế…

*Trong khi đó, lực lượng lao động có tay nghề cao của Việt Nam đang rất thiếu, các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra thuê lao động người nước ngoài, gây nên sự lãng phí lớn cho xã hội?

Ông Đào Trọng Khang: Việc thuê lao động người nước ngoài là “bước đường cùng” của các doanh nghiệp. Để cải thiện tình hình này, ngành giáo dục Việt Nam cần có những cải cách thích đáng về nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo, để chất lượng đào tạo (đầu ra) đạt được những chuẩn mực chung trong khu vực và cao hơn là trên thế giới.

Tôi cho rằng có bốn góc độ cần lưu ý đối với học sinh, sinh viên sau khi được đào tạo: kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng tin học và phong cách làm việc.

*Xin cảm ơn ông!