Đây được coi là cơ hội để bàn thảo về các biện pháp nhằm phục hưng mối quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với khối các nước Đông Nam Á, đang được coi là động lực tăng trưởng của châu Á.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) và Thủ tướng Malaysia Najib Razak tại Tokyo. Ảnh: Reuters
|
Mối quan hệ giữa Nhật Bản - ASEAN dù đã trải qua một giai đoạn lịch sử nhiều biến động phức tạp. Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của kinh tế Nhật Bản, các nước Đông Nam Á đã dần trở thành một phân xưởng gia công khổng lồ cho các tập đoàn, doanh nghiệp của Nhật Bản. Đổi lại, trong suốt 4 thập kỷ qua, Nhật Bản đã trở thành nhà tài trợ kinh tế chính của các nước Đông Nam Á. Vốn đầu tư của Nhật Bản đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và một phần kinh tế Philippines... Nhận thức được vai trò của ASEAN trên chính trường, thị trường khu vực châu Á, trong vòng chưa đầy một năm kể từ khi đắc cử Thủ tướng hồi tháng 12 năm ngoái, ông Shinzo Abe đã xác định chiến lược ngoại giao hướng tới các nước Đông Nam Á và thực hiện các chuyến công du quan trọng tới 10 quốc gia thành viên ASEAN.
Ngay tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Abe đã công bố mở rộng thỏa thuận trao đổi tiền tệ với các nước Đông Nam Á, giúp các quốc gia thành viên ASEAN có cơ hội tiếp cận được kho dự trữ ngoại tệ lớn thứ hai thế giới của Nhật Bản trong trường hợp khẩn cấp. Trước đó, Nhật Bản đã tăng gần gấp 2 lần giá trị hoán đổi tiền tệ với Indonesia lên 22,76 tỷ USD, thỏa thuận tương tự với Philippines là 12 tỷ USD, với Singapore là 3 tỷ USD, nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương.
Mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhật Bản - ASEAN vẫn tạo nên những kỳ tích mới nhưng ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực đã tạo ra một bước ngoặt đầy thử thách cho cả hai bên. Đặc biệt với việc Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN đi vào hoạt động năm 2010, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các nước ASEAN hiện nay đạt 400 tỷ USD. Trong khi đó, Phương án Khu vực Thương mại tự do Nhật Bản - ASEAN được Tokyo đề xuất trong những năm 2000 trở nên kém hấp dẫn hơn.
Sự suy giảm ảnh hưởng về kinh tế đã khiến Tokyo lo ngại sẽ trở nên "lép vế" hơn trong các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc. Vì thế, ngay cả trước khi Hội nghị này diễn ra, nhiều nhà phân tích đã nhận định, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ đưa vấn đề Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) và đặt kỳ vọng các quốc gia ASEAN sẽ cùng Nhật Bản bày tỏ quan điểm và gửi thông điệp chính trị về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và vùng ADIZ của Bắc Kinh. Về phía ASEAN, việc đưa ra một tuyên bố, hành động khôn ngoan để làm vừa lòng cả Tokyo và Bắc Kinh không phải là điều dễ dàng do lợi ích của các quốc gia thành viên liên quan tới hai đối tác quan trọng này là rất khác nhau. Rõ ràng, Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - ASEAN diễn ra trong một thời điểm quan trọng. Nó vừa là thử thách với cách mà Nhật Bản và các nước ASEAN sẽ ứng phó với ADIZ của Trung Quốc, vừa góp phần đưa quan hệ đối tác giữa hai bên lên một giai đoạn phát triển mới.