Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Buôn chuyện với môi giới viên công ty chứng khoán

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều muộn Hà Nội, hơi lạnh hun hút. Ngồi trong quán cóc hồ Hale với một môi giới dăm bảy năm tuổi nghề.

KTĐT - Chiều muộn Hà Nội, hơi lạnh hun hút. Ngồi trong quán cóc hồ Hale với một môi giới dăm bảy năm tuổi nghề. Thuộc hàng cựu trào trong nghề môi giới, lương lậu cũng ngót nghét đôi trăm triệu một lần ký sổ, nhưng anh vẫn giữ thói quen thời sinh viên Bách khoa: la cà đàn đúm quán cóc bia hơi.

Lương broker lành nghề 2 - 3 trăm triệu/tháng. Lậu brocker bát ngát. Chủ tịch, tổng giám đốc công ty chứng khoán chiều broker như chiều vong…

Toàn lời hay ý đẹp dành cho các môi giới viên công ty chứng khoán (broker). Nhưng, đến nghề chơi cũng lắm công phu, nữa là chứng khoán không bao giờ là nghề chơi cả. Và khuyên bảo người khác cắt lỗ, chốt lời lại càng không phải chuyện “trăm ngàn đổi một trận cười”… là xong được.

Chiều muộn Hà Nội, hơi lạnh hun hút. Ngồi trong quán cóc hồ Hale với một môi giới dăm bảy năm tuổi nghề. Thuộc hàng cựu trào trong nghề môi giới, lương lậu cũng ngót nghét đôi trăm triệu một lần ký sổ, nhưng anh vẫn giữ thói quen thời sinh viên Bách khoa: la cà đàn đúm quán cóc bia hơi.

Anh bảo: ở Hà Nội đã gần 20 chục năm, nhưng mình vẫn thấy không sao là “người Hà Nội” được. Khách sạn 4 - 5 sao chỉ bất đắc dĩ tiếp khách mới vào. Tiệc buýt-phê với dao dĩa mà ngồi ăn như cực hình.

Tuổi nghề như anh là toàn chơi với khách VIP rồi. Giữ nếp “ruộng đồng” như thế thì làm sao tiếp cận được với các cá mập?

Cũng chả hẳn. Trên mạng, mấy ông giả vờ quen biết nhóm này nhóm kia. Toàn kể, nhóm ông A mang mấy bao tải tiền đến nộp vào công ty chứng khoán S, hội bà T vứt hàng cục tiền lớn lên bàn kế toán công ty chứng khoán L. Toàn lấy hình nộm rơm dọa mấy người yếu bóng vía. Thử hỏi, nếu là đại gia thật, chú có vác mấy bao tải tiền chạy nhông nhông ngoài đường rồi ì ạch khuân vào công ty chứng khoán không? Có thì chắc đấy là “đại gia cỏ”. Căn bản là mình có duyên với các VIP hay không thôi…

Thôi quay trở lại hậu trường nghề môi giới đi anh. Chắc vô vàn chuyện thú vị nhỉ?

Hãy nói về những cơ cực đã. Sự rủi ro, cơ cực là một phần tất yếu của nghề môi giới. Và khi đã chấp nhận dấn thân vào cái nghề bạc bẽo này, các broker ai cũng phải sẵn sàng tâm lý để chấp nhận và sẵn sàng hành lý để lên đường chú ạ. Ít khách: ra đường. Ít doanh thu: sa thải. Khách phàn nàn: cắt lương thưởng. Thậm chí, ra đi vì những lý do hết sức vớ vẩn đại loại như không vừa mắt khách VIP.

Không thừa chút nào khi thông báo tuyển dụng broker hầu như đều kèm theo cụm từ “chịu được áp lực làm việc cao”. Giao dịch bây giờ xoay chuyển như chớp mắt. Cứ nhìn phiên giao dịch ngày 13/1 thì biết.

Phiên này anh nhớ như in, bởi đắng lòng với một nhà đầu tư quen biết. Từ sáng khách đã phone đến yêu cầu xả hàng cắt lỗ, vì thị trường khó đoán quá. Anh khuyên nên chịu nhiệt thêm lúc nữa. Đến đầu phiên khớp lệnh liên tục, cổ phiếu nằm sàn như ngả rạ. Cắt lỗ hết, nhà đầu tư còn gọi điện đến cám ơn. Đến cuối phiên thì thật cay đắng. Ông khách quen lại gọi đến và chỉ buông sõng một câu: Anh mù, chú cũng mù nốt!

Mà nói thật, bọn anh được coi là lâu năm, độ lỳ gần đạt cực đại rồi. Nhưng mấy tháng trước, sếp manh nha bảo mở sàn OTC rồi hỏi ông nào xung phong ra phụ trách, mấy thằng lắc đầu quầy quậy. Giao dịch OTC không thời gian, không biên độ. Nửa đêm ôm con ngủ, khách gọi đến, rằng khó ngủ quá, mai thị trường thế nào là chuyện thường!

Cuối năm rồi, mấy ông môi giới trên sàn OTC còn thuê ong ve đến rạch mặt nhau vì bị xù nợ. Đúng là “Khi mê tiền chỉ là tiền. Tỉnh rồi mới biết trong tiền có… gai” chú ạ.

Ngày xưa bọn anh có câu “Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa…, chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm”. Bây giờ, nhân sự ngành chứng khoán thì đúng là “chuột chạy cùng sào mới vào môi giới OTC”.

Nhưng, “rủi ro lắm, lợi nhuận cao” cũng là một chân lý mà anh.

Ui giời, cũng tai ương lắm. Nhiều khi như osin. Bực nhất là nhiều bà, nhiều cô ngồi phòng VIP, tiền cả bao tải mà trình độ vi tính toàn cỡ… thiên tài. Mỗi vị một máy, nhưng nhiều khi broker mất cả buổi làm chuyên gia IT hộ. Bật trình gõ tiếng Việt không biết, vào chương trình không biết thoát ra. Vậy mà năn nỉ ỉ ôi, hết em meo hộ chị, em bật cho chị cái webcam. Chương trình thì bật mấy chục cái. Xử lý không kịp thì hô máy lởm! Mình bận tối mắt tối mũi, có bà còn kêu: đừng đi, “ngồi đây giúp em”. Trông tướng mạo thì y chang con khủng long.

Nhưng hàng tháng ký sổ, thẻ ATM vọt lên  8 - 9 số 0, vợ con chỉ mỗi việc lác mắt?

Không lại đâu. Chú không nghe câu “Tuổi trẻ bán sức khỏe lấy tiền. Về già dùng tiền mua sức khỏe” à. Anh đầu bốn rồi. Có nghề nào mà sểnh ra cái là mất tiền tỷ của khách như chơi không. Anh thì cho là, hầu hết mấy vị broker có số má trên thị trường hiện nay không ít thì nhiều đều gặp may cả. Khuyến nghị chung chung, khách bảo “ông đang đọc báo tôi nghe đấy hả. Cái tôi cần là trồng cây gì, nuôi con gì”. Mà khuyến nghị cụ thể thì khác gì tung đồng xu sấp ngửa.

Thế còn góc khuất thì sao anh?

Ờ thì, nghề nào chả có Trạng nguyên. Nghiệp nào chả có Chí Phèo. Có ông “Chí Phèo” broker vừa bị ra tòa hôm giữa tháng 1 vừa rồi đấy. Ông này chắc là chơi chứng lỗ quá hóa liều, bắt cóc con gái của khách hàng đòi chuộc 3 tỷ đồng.

Âu cũng là do cái tính tham mà ra cả. Anh so sánh thế này là khập khiễng, nhưng như cái bọn thư ký đề ấy, người ta bảo nghề này rất kiếm vì thường ăn 30% tiền hồ. Nhưng không mấy kẻ giàu lên, vì từ thư ký biến thành con ma đề lúc nào không hay.

Hỏi thật, anh có đánh chứng khoán không?

Không và dám khẳng định, thành phần như anh chắc chỉ chiếm không đầy 5% trong số dân môi giới. Cưỡng lại những đam mê của khoản lời lỗ hàng trăm triệu đồng chỉ trong nháy mắt là khó lắm chú ơi. Nhiều ông “tiêu tiền hộ” đại gia cũng cứ tưởng mình đại gia là mất nghiệp đấy.

Cá mập bây giờ khủng lắm. Phao tin đánh lên con XYZ. Đích thân gọi điện cho môi giới ruột thu gom cả trăm ngàn rồi bảo giữ chặt để kiếm thêm vài chục giá nữa. Môi giới tưởng thật, hết bốc máy gọi người nhà, bạn bè, đồng nghiệp rồi thậm chí cả bộ phận tự doanh công ty lùa vào. Chứng khoán cứ lên dần dần. Đại gia kia cứ xả hàng dần dần. Bọn anh gọi đòn này là đòn “kim thiền thoát xác”. Không thiếu tự doanh công ty chứng khoán dính rồi đấy chú ạ.

Thế thì cái thời những bà bán nước, những ông trông xe ở cổng các công ty chứng khoán cũng trở thành broker chắc đã xa rồi anh nhỉ?

Anh chẳng tin, đấy là tác phẩm văn học, chứ không phải báo chí. Công ty chứng khoán giao tài khoản khách hàng vào tay môi giới cũng là giao tính mạng công ty. Giao vào tay bà bán nước thì có lúc các bà ấy bán cả công ty à.

Người ta bảo, mỗi broker cốt cán có quan hệ rộng phải nhận một vài mã chứng khoán mà công ty tự doanh để phối hợp đánh lên phải không anh?

Điều này là có thật. Cứ nhìn xem lợi nhuận của công ty chứng khoán đến từ nguồn nào nhiều nhất là xem mảng đó được ưu tiên nhất. Người ta cứ phao lên rằng, bộ phận này độc lập với bộ phận kia. Chú có tin không? Tiền từ một túi ông chủ mà ra cả. Chỉ có điều khôn khéo để đừng bị pháp luật sờ gáy thôi.

Người xưa bảo rằng, cõi đời có bốn loại người. Loại nói thật suốt, loại nói láo suốt, loại lúc thật lúc láo và loại cần thật thì thật, cần láo thì láo… Vậy broker bọn anh thuộc loại nào?

Chẳng là loại nào cả. Broker là dạng công ty muốn thật thì thật, công ty muốn láo thì láo. Hành trang nghề nghiệp của bọn anh chỉ gói gọn trong một chữ “Nhẫn” mà thôi. Chú cũng biết, hiện nay, hầu như công ty chứng khoán nào cũng dành một số phòng cho khách VIP. Bên trong cánh cửa phòng VIP cũng có muôn vàn điều phức tạp. Câu chuyện broker nữ bị khách VIP “này nọ” không phải là không có đâu chú ạ.

Tất nhiên, những môi giới gạo gội như bọn anh cũng có oai ngầm. Margin, T+1, T+2, T+60 là do tay mình cả… Nhưng cuối cùng thì cũng quyền rơm vạ đá cả thôi. May được vị nào thảo lảo tán lộc thì có tí lậu kiếm ngoài.

Sau thời gian margin năm bảy trăm phần trăm vừa rồi, về cơ bản anh đã… “đốt” được bao nhiêu tài khoản cá mập?

Nói đến chuyện đốt tài khoản. Khách đau 10, bọn anh cũng thấy khổ tâm 5. Tuy chưa đến mức đào viên kết nghĩa, nhưng cũng chén chú chén anh nhiều. Các bác ấy có lộc cũng chẳng quên mình. Giờ gọi điện đến bảo anh không nạp thêm tiền là bọn em cắt. Sau mỗi cuộc gọi cứ đần người ra cả tiếng đồng hồ. Hối hận. Bất nhẫn. Đau khổ!

Thôi, vui vẻ lên tí bác. Thị trường cần broker như sông sâu cần bác lái đò chắc tay. À mà nhân nói đến lái đò, kể bác nghe chuyện này: “Ngày xưa, Trạng Quỳnh hay đi đò ngang thường chịu tiền, lâu quá hóa nhiều, không trả được. Lúc anh lái đò đến đòi, Quỳnh bảo:

- Ừ đợi đấy, mai ta trả.

Rồi mua tre nứa, lá gồi làm một cái nhà bè ở giữa sông, trong đề một câu: “...mẹ thằng nào bảo thằng nào”! Đoạn rồi phao ầm lên rằng đó là lầu yết thơ của Trạng. Thấy nói thơ Trạng, thiên hạ nô nức kéo nhau đi xem. Đi đò ra đến nơi, thấy độc một câu như thế, chán quá liền đi đò về. Người khác gặp hỏi thì chỉ trả lời: “Ra mà xem!”. Thế là thiên hạ càng thấy lạ, càng xô nhau ra xem. Anh lái đò chở hết chuyến nọ đến chuyến kia không kịp, trong ba bốn ngày, được không biết bao nhiêu tiền. Được mấy hôm, Quỳnh dỡ nhà bè, bán lại cho anh lái đò. Anh lái đò trừ nợ. Quỳnh mắng:

- Anh còn nợ ta thì có, ai làm cho anh mấy hôm chở được bấy nhiêu tiền?

Anh lái đò mới nhận ra, liền cám ơn Quỳnh rối rít”!

Nghiệp môi giới chứng khoán cũng như anh lái đò chở khách qua sông. Khách thua thì vẫn mất “tiền hồ”, khách trúng quả có thêm vài đồng tán lộc. Cái việc kết thân với vài ba cá mập, dò la tài khoản VIP rồi ra chỗ ông này, “tôi chỉ kể với mỗi ông”; lại chỗ bà kia, “em tiết lộ với mỗi chị”, rằng cá mập này đang gom thằng XYZ, phi đội kia đang xả hàng ABC. Rồi cũng nhân cơ hội té nước theo mưa. Người thắng người thua, ta vẫn thu hoạch đều, phải không bác!?

Kể ra thì cũng có phần đúng. Nhưng nói gì thì nói, đời broker như anh “lên voi xuống chó” cũng còn oanh liệt chán. Cứ như chú, sáng 4 tiếng vàng ngọc, chiều 4 tiếng ngọc vàng, chân đút gầm bàn, tay miệt mài cạo giấy. Về nhà chăm con chờ vợ. Có khi còn tóc tai rối bù, mặt mày bạc nhược, tay cắp làn nhựa, ngực ấp cuốn 300 món ăn ngon, cun cút đi chợ nấu cơm thì... anh chịu. Đời thế là tèo đấy.

Nói xong anh cười, nụ cười ấm áp đầu tiên trong cái đêm Hà Nội cuối năm lạnh như tiền!