Nhiều vụ buôn lậu số lượng lớn
Ngày 2/11 vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - Chi cục QLTT Hà Nội qua kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ hóa chất HFT tại Cụm công nghiệp Thanh Oai (Hà Nội) đã phát hiện hơn 60 xe đạp điện và xe điện được nhập nguyên chiếc cùng hàng nghìn phụ tùng, linh kiện có nguồn gốc Trung Quốc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đại diện, công ty thừa nhận từ tháng 6/2012 đã bắt đầu sản xuất xe đạp điện và đã đưa ra thị trường hàng ngàn chiếc xe tương tự.
Đội quản lý thị trường số 1 Hà Nội thu giữ lô hàng xe đạp điện không rõ nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Ngân
|
Cuối tháng 9 vừa qua, đội QLTT số 12 cũng phát hiện 2 kho chứa xe đạp điện của cửa hàng xe đạp Quang Hưng và Công ty Bảo Việt (phố Thanh Lân, Thanh Trì, Hoàng Mai) có hơn 700 chiếc xe đạp điện và nhiều loại tem, nhãn mác, linh phụ kiện xe đạp điện mang các nhãn hiệu Yamaha, Honda, Panda, Nioshima, Giant… tổng trị giá số hàng này lên đến hàng tỷ đồng. Theo đại diện đội QLTT số 12; toàn bộ số xe đạp điện này đều có xuất xứ từ Trung Quốc và được đưa về Việt Nam lắp ráp, tiêu thụ.
Báo cáo kết quả kiểm tra của Chi cục QLTT Hà Nội cho thấy, hiện có hơn 60% số cơ sở kinh doanh xe đạp điện trên địa bàn TP vi phạm ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó chủ yếu là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác, kiểu dáng của các hãng nổi tiếng. Không chỉ có vậy, khi đối chiếu với chứng từ gốc, lực lượng QLTT Hà Nội còn phát hiện giá nhập khai báo hải quan chỉ từ 2 - 3 triệu đồng/chiếc, nhưng bán ra lên tới 10 - 12 triệu đồng/chiếc.
Ông Trịnh Văn Ngọc - Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện các đối tượng buôn lậu mặt hàng này dùng nhiều thủ đoạn để vận chuyển hàng hóa. Thời gian đầu dân buôn lậu thường vận chuyển nguyên chiếc đã được lắp ráp hoàn chỉnh, nhưng gần đây, nhiều chủ hàng đã tháo rời từng bộ phận để vận chuyển riêng lẻ, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra thu giữ. Phương thức vận chuyển cũng có sự biến đổi, bên cạnh thủ đoạn dùng xe khách, xe tải chở lẫn với các mặt hàng hóa khác còn gửi đảm bảo qua đường chuyển phát nhanh, bưu kiện của ngành bưu điện.
Còn nhập nhèm, tình trạng buôn lậu còn gia tăng
Việc xe đạp điện nhập khẩu không hóa đơn, chứng từ bán tràn lan trên thị trường vi phạm về nhãn mác, thương hiệu đang ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, gây thất thu một nguồn ngân sách không nhỏ cho Nhà nước. Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết: Vừa qua, Cục QLTT cũng đã có văn bảo chỉ đạo Chi cục QLTT TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh xác minh và kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh, nhập khẩu và nhập lậu mặt hàng xe đạp điện, xe máy điện giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, nếu chỉ trông cậy vào lực lượng QLTT thì chưa đủ mà phải có sự phối hợp của lực lượng hải quan, biên phòng, cảnh sát biển... tăng cường kiểm soát ở khu vực biên giới mới có thể ngăn chặn hoạt động buôn lậu xe đạp điện nói riêng, hàng lậu nói chung.
Ông Nguyễn Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ô tô, xe máy, xe đạp Việt Nam kiến nghị: Lực lượng chức năng, cơ quan quản lý hàng nhập khẩu cần quản chặt số khung, số máy xe đạp điện nhập khẩu. Theo đó, thay vì chỉ ghi chung chung là "xe đạp điện" trên hóa đơn nhập xe chính ngạch, ngành chức năng cần ghi cụ thể chủng loại xe, mẫu mã, số khung, số máy… điều này khiến dân buôn lậu khó có thể quay vòng hóa đơn nhập khẩu nhằm hợp thức hóa xe nhập lậu. Bên cạnh đó, Nhà nước nên sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật phải theo hướng khuyến khích ngành sản xuất trong nước phát triển.
Thực tế cho thấy, muốn ngăn chặn hoạt động nhập lậu xe đạp điện, bên cạnh việc các doanh nghiệp trong nước cần cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc ngăn chặn hàng nhập cùng cũng cần sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng. Và chính người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức trong việc chọn mua sản phẩm chính hãng, có uy tín để đảm bảo quyền lợi của mình.