Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Buồn vì “chi phí gầm bàn”

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo mức độ hài lòng của DN về thực hiện các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu năm 2018 do Tổng cục Hải quan và VCCI thực hiện cho thấy, bên cạnh các chỉ tiêu nhận được nhiều sự hài lòng như tiếp cận thông tin, việc thực hiện thủ tục hải quan… thì câu chuyện liên quan đến các chi phí bôi trơn không chính thức vẫn là một tồn tại "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

Điều này cho thấy, cơ quan hải quan và các bộ, ngành liên quan vẫn cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện thủ tục, nhất là với một số thủ tục có tỷ lệ DN đánh giá là khó vẫn cao hơn tỷ lệ được đánh giá là dễ và rất dễ.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát 3.061 DN về các tiêu chí như mức độ tiếp cận thông tin; đánh giá về việc thực hiện thủ tục hải quan; về sự phục vụ của công chức hải quan; thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành... trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, có 18% số DN thừa nhận là có chi trả chi phí ngoài quy định; 15% DN khẳng định sẽ bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí chính thức ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tỷ lệ DN bị vòi vĩnh tiền ngoài quy định nằm chủ yếu ở thủ tục thông quan hải quan, trong đó lớn nhất là kiểm tra thực tế hàng hóa (87,5%) và kiểm tra hồ sơ (83%).

Theo khảo sát, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan đến Bộ Công Thương phải chịu chi phí "gầm bàn" cao nhất với với tỷ lệ 50,9% số DN được khảo sát; Bộ NN&PTNT đứng vị trí thứ 2 với tỷ lệ 34%; Bộ GTVT thứ ba với 29,72%, Bộ TN&MT với 23,11%. Có thể thấy, những nhũng nhiễu liên quan đến bôi trơn, đến đạo đức cán bộ, viên chức vẫn là một bài toán khó cần cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN thực hiện các hoạt dộng xuất nhập khẩu. Vì thế, cải cách không chỉ ở bên ngoài mà còn phải đẩy mạnh cải cách nội bộ, làm tốt công tác quản trị ngành. Muốn chấn chỉnh, nâng cao thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, câu chuyện giám sát bằng máy móc cần thiết được thắt chặt hơn. Tại một số cơ quan như Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh trang bị máy móc kỹ thuật, đồng thời cũng là đơn vị đầu tiên trong Bộ Tài chính đã mô tả 183 vị trí việc làm, trên cơ sở đó rà soát đánh giá thực trạng trình độ chuyên môn của cán bộ... Dù nỗ lực nhưng những kêu ca của DN vẫn tồn tại ở mức khá cao theo cuộc khảo sát. Có thể thấy, trong khi công tác giám sát cán bộ, công chức được nâng cao thì việc xử phạt vi phạm tại các bộ, ngành vẫn đếm trên đầu ngón tay. Để câu chuyện "bôi trơn" các cán bộ thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu không còn bị DN phàn nàn, việc công khai, minh bạch công tác kiểm điểm cán bộ, công chức cần phải làm mạnh hơn nữa; tránh tình trạng "đắp chăn" hô nâng cao đạo đức nhưng xử phạt lại cả nể, qua loa và không ai sợ, việc đâu lại vào đó. Như thế, cán bộ, công chức mới ý thức được trách nhiệm của mình trong nuôi dưỡng nguồn thu, tạo thuận lợi cho DN.