Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Buông lỏng kiểm định chất lượng giáo dục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiến nghị tạm ngừng hoạt động ĐH Công nghệ & quản lý Hữu nghị và ĐH quốc tế Bắc Hà vì không thực hiện đúng cam kết khi thành lập cho thấy công tác hậu kiểm của Bộ GD&ĐT bị buông lỏng dẫn đến trường nào bị kiểm tra thì đồng nghĩa với phát hiện sai phạm.

Buông lỏng hậu kiểm

Để các trường khẳng định thương hiệu cũng như đề cao vai trò giám sát của xã hội, kiểm định chất lượng giáo dục là công cụ tối quan trọng. Từ năm 2007, Bộ GD&ĐT tiến hành kiểm định 20 trường công và ngoài công lập (NCL), nhưng đến nay vẫn chưa công khai kết quả và không đưa vào danh sách thêm trường nào. Với việc ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh được phép thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng con số đó vẫn là quá ít so với trên 420 trường ĐH, CĐ hiện có. Nếu tính quay vòng, phải 8 năm sau một trường ĐH mới đến lượt kiểm định chất lượng lần thứ hai. Như vậy, các trường không thể biết mình đang yếu kém gì để điều chỉnh kịp thời. Nhất là khi Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT được thông qua, các trường được trao quyền tự chủ, vai trò kiểm định chất lượng giáo dục càng không thể thiếu.
Các cơ quan chức năng đã kiến nghị dừng hoạt động trường Đại học quốc tế Bắc Hà.  Ảnh:  Duy Khánh
Các cơ quan chức năng đã kiến nghị dừng hoạt động trường Đại học quốc tế Bắc Hà. Ảnh: Duy Khánh
Qua sự việc của ĐH Công nghệ và quản lý Hữu nghị sai phạm trong tuyển sinh và ĐH quốc tế Bắc Hà tuyển sinh và đào tạo tại địa chỉ chưa xin phép, người ta thấy rõ sự lơ là trong khâu hậu kiểm. Đó là kẽ hở để một số trường NCL cố tình sai phạm. Một chuyên gia giáo dục cho biết, ông không ngạc nhiên khi các trường làm "bậy". Theo quy định, để được phê duyệt mở trường, yêu cầu đầu tiên là phải có đề án thành lập, trong đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chí (trụ sở, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu, giáo trình…). Không hiểu vì lý gì mà nhiều nội dung báo cáo "ảo" lại được chấp thuận. Vì chưa có thương hiệu, để tồn tại có trường đã lợi dụng kẽ hở trong khâu hậu kiểm của Bộ để… sai phạm.
Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành về kết quả rà soát, kiểm tra các hoạt động của các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ, TCCN ở Hà Nội năm 2013, nhiều trường vi phạm các quy định về tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo. Cụ thể, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội báo cáo không thuê địa điểm đào tạo ngoài nhà trường, không liên kết đào tạo với địa phương và ngành nào, nhưng thực tế trường có phối hợp đào tạo về cơ sở vật chất với Trường Trung cấp nghề số 10 - Bộ Quốc phòng; ĐH Công nghệ và quản lý Hữu nghị thành lập từ năm 2007 nhưng đến nay chưa có cơ sở vật chất ổn định, chỉ có 1 phó Hiệu trưởng, giảng viên và nhân viên không đáp ứng tiêu chí hoạt động, tuyển sinh không đủ điều kiện nhập học; Lại có trường mặc dù không có trụ sở chính tại Hà Nội, chưa được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội và Bộ GD&ĐT nhưng vẫn tuyển sinh và đào tạo: ĐH Quốc tế Bắc Hà, Văn phòng đại diện của ĐH Trưng Vương.
Trao đổi về sai phạm trong tuyển sinh của ĐH Công nghệ và quản lý Hữu nghị, ông Nguyễn Đăng Khoa - Chánh văn phòng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho hay, trường này thuộc sự quản lý của Bộ GD&ĐT, không tham gia thành viên của Hiệp hội, hàng năm không gửi báo cáo nên không thể biết hoạt động ra sao, càng không thể phát hiện ra sai phạm. Trước ý kiến SV NCL có chất lượng  yếu, ông Đăng Khoa phản đối: "14% SV NCL không thể quyết định sự yếu kém của SV ĐH. Cứ cho là 50 - 50, thì có 7 trong 14% SV NCL, làm sao xoay chuyển được 93% số SV còn lại? Hiệp hội thể hiện rõ quan điểm chỉ bênh vực quyền lợi chính đáng cho các trường và tán thành với nhận định Bộ GD&ĐT cần có các biện pháp cứng rắn khi các trường làm sai chính sách, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên".

Nên có các trung tâm kiểm định độc lập

Để bảo vệ thương hiệu cho các trường ĐH, CĐ NCL, 3 năm trước, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL đã rục rịch thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục để thực hiện tại các ĐH, CĐ NCL. Thế nhưng, ý tưởng này không được Bộ GD&ĐT đồng ý, nên đến giờ Hiệp hội chỉ biết… ngồi chờ. Vì thế, ông Nguyễn Đăng Khoa đề nghị, trong lĩnh vực kinh tế có kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập, thì với giáo dục, Bộ GD&ĐT cũng nên thành lập vài trung tâm kiểm định độc lập. Ở nước ngoài, kiểm định độc lập thuộc các tổ chức xã hội nghề nghiệp, làm việc rất uy tín. Nếu chỉ có trung tâm kiểm định do Bộ quản lý để đi kiểm tra trường công sẽ chẳng khác gì "vừa đá bóng vừa thổi còi". Đó là chưa tính đến tiêu cực có thể xảy ra khi thực hiện.

Phát triển hệ thống giáo dục NCL là xu hướng tất yếu và chất lượng giáo dục không phụ thuộc vào trường công hay NCL. Trước thực tế Việt Nam có nhiều trường NCL không đảm bảo chất lượng trong nhiều khâu, rất cần có những đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục là thước đo để các trường vươn tới. Như TS Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng nói, kiểm định chất lượng giáo dục sẽ là tiền đề khi các trường được thực hiện tự chủ theo Luật Giáo dục ĐH. Do vậy, trước khi chờ đến lượt được trung tâm kiểm định thực hiện, các trường nên tự đánh giá theo các tiêu chí được Bộ GD&ĐT đưa ra và công khai trong trường cũng như ngoài xã hội. Tất nhiên, việc đánh giá phải mang tính chất nghiêm túc, chứ không phải đối phó. Đây cũng là cách hữu hiệu để hệ thống trường ĐH, nhất là những trường NCL mới thành lập khẳng định thương hiệu của mình.