Nhiều chuyên gia cho rằng, xe buýt nhanh BRT rất đáng để kỳ vọng nhưng cũng sẽ gặp không ít khó khăn khách quan trong giai đoạn sơ khởi này.
Mảnh ghép quan trọng của giao thông đô thị
Tuyến BRT Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã được triển khai từ đầu năm 2013; trải qua nhiều gian nan, đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính. Dàn phương tiện đã tập kết về Bến xe Yên Nghĩa để hoàn chỉnh trang thiết bị, chờ ngày khởi hành. Làn đường riêng, nhà ga, đường, cầu kết nối ga đang được gấp rút hoàn thiện; hệ thống tín hiệu riêng biệt đã được lắp đặt. Tuyến BRT này sẽ lưu thông trong một làn đường riêng 3,5m, sát dải phân cách giữa, tách biệt với làn đường dành cho phương tiện hỗn hợp. Dự kiến, xe buýt BRT sẽ chạy với tần suất 3 - 5 phút/chuyến, vận chuyển 90 hành khách/chuyến với tốc độ 20 - 22km/giờ. Hành khách sử dụng dịch vụ BRT phải mua vé từ, được tự động soát vé khi vào nhà chờ và lên xe. Đèn tín hiệu tại các nút giao thông mà BRT đi qua sẽ được tích hợp với hệ thống trên xe và trung tâm điều hành giao thông để ưu tiên xe buýt này đi qua.
Hoàn thiện các hạng mục nhà ga cuối cùng chuẩn bị chạy thử tuyến buýt BRT Bến xe Yên nghĩa - Kim Mã. Ảnh: Ngọc Hải |
Các chuyên gia lý giải, lợi thế của BRT bao gồm 4 điểm chính: Khối lượng vận chuyển lớn: 30.000 - 40.000 hành khách/ngày; làn đường biệt lập, được ưu tiên tại các nút giao cắt nên
rút ngắn được tối đa thời gian di chuyển, chờ đợi; sàn xe cùng mức với điểm dừng, thuận tiện lên xuống, đặc biệt là với người tàn tật; loại bỏ hoàn toàn thao tác ngoặt vào - rẽ ra khi dừng, đón trả khách trên đường nên không có khả năng gây cản trở, ùn tắc giao thông. Nếu so sánh với xe buýt thông thường hiện nay, chỉ chở được từ 50 - 70 hành khách, sử dụng chung làn đường với các loại phương tiện khác, thì ưu thế của buýt BRT là không cần bàn cãi. Tuy nhiên cũng cần nhớ rằng, đây là tuyến BRT đầu tiên của cả nước cũng như Hà Nội. Việc thiếu kinh nghiệm vận hành, sử dụng sẽ khiến cả đơn vị thực hiện lẫn người dân phải đối diện với những khó khăn, phức tạp không cách nào tránh khỏi.
Sự vượt trội cả về năng lực, thời gian vận hành, chi phí lẫn tính tiện lợi của xe buýt BRT sẽ khiến một bộ phận lớn người dân từ bỏ các phương tiện cá nhân, áp lực giao thông cũng nhờ đó mà giảm đi rất nhiều. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị |
Vạn sự khởi đầu nan
Giám đốc Ban Quản lý đầu tư phát triển giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà chia sẻ: “Phương án tổ chức giao thông dành sự ưu tiên tuyệt đối cho xe buýt BRT là tối cần thiết để phát huy hiệu quả của loại hình VTHKCC khối lượng lớn này”. Nhưng với hiện trạng quỹ hạ tầng eo hẹp, lượng phương tiện cá nhân khổng lồ (5,6 triệu chiếc) của Hà Nội hiện nay, sẽ rất khó để có một làn đường riêng thực sự cho xe buýt BRT. Hơn nữa, với lộ trình hoạt động: Bến xe Kim Mã - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Lê Trọng Tấn - Ba La - Bến xe Yên Nghĩa, buýt BRT sẽ phải xuyên qua nhiều tuyến đường có mật độ giao thông vào loại cao nhất Thủ đô.
Phương án tổ chức giao thông khi có xe buýt BRT đã được xây dựng, chuẩn bị thử nghiệm thực tế và sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một vấn đề khiến cơ quan chức năng lo lắng. Đại diện đơn vị vận hành - Tổng Công ty Vận tải Hà Nội nhận định: “Nếu không nhận được sự ủng hộ thiết thực của người dân, dù cho có kế hoạch vận hành chi tiết, khoa học đến đâu, xe buýt BRT cũng sẽ khó đáp ứng được kỳ vọng về thời gian, khối lượng vận chuyển”. Điều kiện tiên quyết để xe buýt BRT đạt hiệu quả về thời gian chuyến lượt là phải được lưu thông trong làn đường riêng. Nếu bị phương tiện cá nhân chiếm phần đường, khả năng vận hành của BRT sẽ hạn chế rất nhiều. “Rồi đây khi xe buýt BRT đi vào vận hành sẽ lại có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng không phù hợp hoặc gây ùn tắc thêm. Nếu không có sự khích lệ, ủng hộ tuyệt đối của Nhân dân và cả cơ quan chức năng, sợ rằng BRT sẽ khó vượt qua giai đoạn vạn sự khởi đầu nan” - vị này chia sẻ.