Do ô nhiễm môi trường Theo đánh giá của PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hiện tượng cá chết ở các khu vực miền do ô nhiễm môi trường. Trong đó nguyên nhân chính là do một lượng hóa chất rất lớn được xả từ đất liền xuống biển. Nguồn thải này có thể bắt nguồn từ các khu công nghiệp, khu đô thị nằm sát ven bờ biển. Nguồn hóa chất này sau khi đổ xuống biển đã lan truyền nhanh qua các địa phương lân cận, khởi đầu từ vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh. Hóa chất gây ô nhiễm thông thường có thể sẽ nổi lên bề mặt như dầu, nhưng cũng có thể chìm xuống dưới đáy. “Tuy nhiên, môi trường biển thường có khả năng hòa tan độc tố rất nhanh. Do đó, hiện tượng cá chết xảy ra tại vùng ven biển ở Hà Tĩnh gần nửa tháng, mà nay vẫn còn lan truyền qua các địa phương khác, chứng tỏ mức độ ảnh hưởng rất nghiêm trọng” - ông Hồi nhận định.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Thanh Bái - Giám đốc Trung tâm An toàn hóa chất bảo vệ môi trường (Hội Hóa học Việt Nam) khẳng định, việc cá chết hàng loạt ở các vùng biển miền Trung rất đáng lo ngại. Nếu không kịp thời ngăn chặn, mức độ cá chết có thể còn lan rộng, khó kiểm soát. “Muốn kết luận chính xác nhất, cơ quan chuyên môn cần phải lấy mẫu cá chết và phải đón đầu ô nhiễm bằng cách lấy mẫu từ khu vực biển Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế. Đồng thời, cần phải tập trung lấy mẫu nguồn thải xung quanh các khu công nghiệp ở vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh - nơi phát hiện cá chết đầu tiên. Cần huy động cảnh sát môi trường vào cuộc Cho rằng nguyên nhân ô nhiễm gây cá chết bắt nguồn từ đất liền, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi đề xuất, để sớm tìm được nguyên nhân cá chết, các cơ quan chức năng cần phải huy động sự can thiệp của cảnh sát môi trường, để kịp thời tổ chức thanh tra nguồn thải từ đất liền đổ ra biển. Ngoài ra, cần triển khai việc lấy mẫu nước biển tại các vùng cá chết và sớm công bố kết quả để có giải pháp kịp thời. Trong khi đó, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận định, hiện tượng cá chết này rất bất thường, bởi có cả cá nuôi trong lồng, cá tự nhiên tầng mặt và tầng đáy. Tại mỗi vùng biển, hiện tượng cá chết khác nhau nên việc xác định nguyên nhân trong vùng biển mênh mông cũng cần phải thận trọng. “Việc lấy mẫu cũng không phải dễ dàng, bởi đại dương rất phức tạp, khi lấy mẫu còn phải kết hợp xem hải văn thế nào, nguồn nào ô nhiễm, có khả năng ô nhiễm. Hiện các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân nên cần có thời gian để xác định. Tuy nhiên, với khoa học công nghệ hiện nay chắc chắn các cơ quan chức năng, quản lý sẽ sớm tìm ra nguyên nhân để kịp thời có những giải pháp xử lý” - ông Tùng chia sẻ. 3 biện pháp khẩn cấp giải quyết hiện tượng cá chết Ngày 21/4, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã ký ban hành công văn số 1411/BTNMT-TCMT gửi UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế về việc thực hiện một số biện pháp khẩn cấp nhằm giải quyết hiện tượng cá chết hàng loạt.
Cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung. |
Để đảm bảo vấn đề an toàn đối với sức khỏe người dân liên quan đến việc cá chết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện một số biện pháp trước mắt sau đây: Thứ nhất, thông báo, tuyên truyền để người dân biết, không sử dụng cá chết để chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi. Thứ hai, triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát, xử lý đúng quy cách, không để xảy ra tình trạng đưa cá chết ra tiêu thụ, buôn bán làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường. Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, nắm bắt tình hình và báo cáo kịp thời các diễn biến mới về Bộ TN&MT để có biện pháp xử lý.