Chính sách mới mở ra cơ hội tăng trưởng lớn cho ngành cá da trơn. Cùng với lợi thế trên, ngày 11/10/2019, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã thông báo quyết định sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 đối với sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam.
Theo đó, Công ty Vĩnh Hoàn, Công ty Biển Đông duy trì mức thuế suất là 0 USD/kg; bổ sung 2 DN sẽ được xem xét áp dụng mức thuế suất là 0 USD/kg dự kiến trong tháng 11/2019 (Công ty CP Thủy sản NTSF và Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ).
Như vậy, sắp tới có 4 DN Việt Nam được phép xuất khẩu cá tra vào Mỹ với thuế suất 0 USD/kg. Điều này sẽ giúp đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong những tháng cuối năm 2019.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành cá tra với diện tích khoảng 5.000ha, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 1,8 tỷ USD và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Tuy nhiên, ngành cá tra vẫn còn một số điểm chưa yên tâm, đó là một số khâu còn yếu, liên kết chuỗi giá trị chưa chặt chẽ, tính cạnh tranh chưa cao... Do đó, yêu cầu các địa phương phát triển mặt hàng cá tra cần xem khâu giống là khâu “yết hầu”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các DN phải tăng cường sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị gia tăng. Đặc biệt là tận dụng tốt lợi thế từ việc Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam để phát triển, mở rộng thị trường, góp phần quan trọng vào việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo thống kê, sản lượng cá tra của Việt Nam hiện khoảng 1,3 triệu tấn. Ấn Độ đang có 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn, Trung Quốc cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra. Mặc dù chiếm thị phần nhỏ, nhưng việc các quốc gia này đầu tư tăng sản lượng nuôi và tham gia thị trường xuất khẩu sẽ là yếu tố cạnh tranh đối với ngành cá tra của Việt Nam. |