Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cà Mau: Cần hỗ trợ kinh phí ứng phó hạn, mặn

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng khô hạn, thiếu nước sạch, sạt, sụt lún mùa khô năm 2024 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng chục ngàn hộ dân, Cà Mau vừa kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí ứng phó với số tiền hơn 200.000 tỉ đồng.

Các con kênh, sông vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời hiện đang cạn trơ đáy (Hoàng Nam)
Các con kênh, sông vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời hiện đang cạn trơ đáy (Hoàng Nam)

Thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử vừa có báo cáo hỏa tốc gửi Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai; Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn. Theo đó, Cà Mau đã xin Trung ương hỗ trợ nhiều công trình, dự án liên quan đến công tác phòng chống, khắc phục hạn, mặn.

Giải quyết vấn đề cấp bách và lâu dài

Theo đó, Cà Mau dự kiến kế hoạch đầu tư 5 hệ thống thủy lợi, kinh phí thực hiện khoảng 197.040 tỉ đồng nhằm xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đấu nối với dự án Quản lộ - Phụng Hiệp, gồm các hạng mục sửa chữa âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên Quốc lộ 1.

Nhiều nơi, người dân Cà Mau đang phải mua nước ngọt với giá 50.000 đồng/m3
Nhiều nơi, người dân Cà Mau đang phải mua nước ngọt với giá 50.000 đồng/m3

Mục tiêu làm chậm mặn, bổ sung nguồn nước ngọt về Cà Mau, phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng cháy, chữa cháy rừng vào mùa khô. Ðồng thời, điều tiết trong nội vùng (điều tiết nước từ vùng trũng sang vùng gò và ngược lại theo yêu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất), tránh tiêu quá nhiều nước ngọt ra sông, rạch và biển Tây nhằm hạn chế thiếu nước ngọt vào mùa khô.

Theo đó, “Dự án cấp nước sạch sinh hoạt bức xúc khu vực nông thôn tỉnh Cà Mau” với dự kiến khoảng 13.900 hộ dân được hưởng lợi, kinh phí đầu tư cần đến 241,7 tỉ đồng.

Khốc liệt hạn, mặn, sụt lún

Như báo Kinh tế và Đô thị thông tin hàng năm, mỗi khi đến mùa khô, tỉnh Cà Mau lại luôn phải đối diện với nạn hạn mặn, thiếu nước ngọt, sụt lún. Năm nay, thực trạng trên lại đang tái diễn ảnh hướng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Cà Mau cho biết, hiện có hơn 13.000 hộ dân đang có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt vào cuối tháng 3 và trong tháng 4 do hạn hán. Hiện nhiều hộ dân đang phải mua nước từ các ghe, tàu, xà lan với giá lên đến hơn 50.000 đồng/m3 để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày.

Ông Nguyễn Hồng Duy Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thuận, huyện U Minh cho biết, địa phương có 15 ấp với hơn 2.900 hộ dân, trong đó có 190 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo. Tổng số hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn xã mới đạt 1.450, chiếm tỷ lệ 50%. Trong đó, số hộ sử dụng nước do nhà máy cấp nước tập trung chỉ hơn 590 hộ, tương đương khoảng 20%.

Ngoài thiếu nước ngọt, hiện nay người dân Cà Mau còn đối mặt với tình trạng sụt lún và sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng do khô hạn ở vùng ngọt hóa ngày càng nghiêm trọng, nhiều tuyến đường bị chia cắt ảnh hưởng đến hàng chục ngàn hộ dân khác.

Tính đến ngày 16/3/2024, trên địa bàn 09 xã thị trấn của huyện Trần Văn Thời đã xảy ra sạt lở, sụt lún ở 131 tuyến kênh bị sụt lún, 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 14.500 m, ước tính thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Ảnh hưởng trực tiếp an sinh của hàng ngàn hộ dân.

Giải pháp tình thế tại chỗ

Sụt lún đang diễn ra trên diện rộng ở Cà Mau (Hoàng Nam)
Sụt lún đang diễn ra trên diện rộng ở Cà Mau (Hoàng Nam)
Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, toàn tỉnh hiện có hơn 13.000 hộ dân đang đối diện nguy cơ thiếu nước trong tháng 3 – 4/2024, trong hiện khoảng 3.700 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, bà con phải mua nước với giá cao để phục vụ nhu cầu thiết yếu. 
Trước mắt kiến nghị cấp 39 tỷ đồng ngân sách để kéo mới đường ống, cấp bồn chứa nước cho các hộ khó khăn, nâng công suất các trạm cấp nước để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. 
Mặt khác, khuyến cáo người dân sử dụng nước thật tiết kiệm, chủ động dùng các dụng cụ có sẵn để trữ nước sinh hoạt đề phòng mực nước ngầm hạ thấp, gây khó khăn cho việc lấy nước.
Cà Mau: Cần hỗ trợ kinh phí ứng phó hạn, mặn - Ảnh 1
Sụt lún đang xảy ra nghiêm trọng tại huyện Trần Văn Thời (Hoàng Nam)

Để đối phó nạn sụt lún, huyện Trần Văn Thời đã phải huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ, cùng người dân thực hiện nhiều biện pháp hạn chế khắc phục tạm thời như: làm rào chắn, giăng dây cảnh báo cho người tham gia giao thông, vận động người dân sử dụng cây gỗ địa phương gia cố tạm thời. “Các tuyến đường hư hỏng mặt đường bê tông đã thực hiện công tác làm đường tạm cho phương tiện xe hai bánh tham gia lưu thông, lắp đặt biển báo nguy hiểm, có rào chắn, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn giao thông” – ông Kiều Minh Tiếng Phó Chủ tịch UBND Trần Văn Thời nói.