Cà Mau: xét xử vụ đưa người ra nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau vừa đưa ra xét xử lưu động công khai vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.” Trong vụ án, các đối tượng đã trốn sang Malaysia để làm thuyền viên đánh bắt thủy sản.

Quang cảnh phiên tòa lưu động trước giờ xét xử (CTV)
Quang cảnh phiên tòa lưu động trước giờ xét xử (CTV)

Ngày 6/5, TAND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tổ chức phiên tòa lưu động xét xử đối với các bị cáo Phạm Văn Nghệ, bị truy tố về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài để làm thuyền viên tàu cá. Bị cáo chính trong vụ án được đưa ra xét xử là Phạm Văn Nghệ (53 tuổi, thường trú tỉnh Bến Tre; tạm trú khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời), bị truy tố về hành vi “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.”

Bị cáo Phạm Văn Nghệ tại phiên tòa (CTV)
Bị cáo Phạm Văn Nghệ tại phiên tòa (CTV)

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Cà Mau, Nghệ và Lê Thị Đẳng (tên khác Nguyễn Thùy Trang - là người Việt Nam hiện ở Malaysia) quen biết nhau. Sau đó, Trang thuê Nghệ sang Malaysia làm tài công và kêu Nghệ tìm thuyền viên sang Malaysia đánh bắt thủy sản cho Trang, mọi chi phí Trang chi trả và được Nghệ đồng ý.

Khoảng 21h ngày 9/2/2023, Nghệ chuyển dụng cụ và đồ đạc cá nhân lên tàu cá KG-94137-TS cho 2 ngư phủ điều khiển qua Malaysia bằng đường biển. Bốn ngày sau, Nghệ cùng 5 ngư phủ khác xuất cảnh từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) sang Malaysia.

Nhiều người dân đến dự theo dõi phiên tòa (CTV)
Nhiều người dân đến dự theo dõi phiên tòa (CTV)

Khi đến nơi, những người này được Trang bố trí xe đón và chở tới cảng biển EnDau, xuống tàu cá KG-94137-TS. Trang chỉ đạo cho các ngư phủ sửa lại tàu cá KG-94137-TS thành tàu cá PAF4860 để đi đánh bắt ở vùng biển Malaysia.

Quá trình đánh bắt thuỷ sản và ăn chia không như Trang đã hứa trước, dẫn đến Trang và Nghệ xảy ra mâu thuẫn. Ngày 24/4/2023, Nghệ điều khiển tàu cá PAF4860 nhập cảnh trái phép về Việt Nam bằng đường biển và bị Đồn Biên phòng Sông Đốc phát hiện, tạm giữ. Riêng Lê Thị Đẳng hiện ở Malaysia, nên chưa làm việc được. Vì vậy, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Cà Mau tách ra tiếp tục điều tra, xử lý sau.

Tại phiên tòa, Hội đồng xứt xử (HĐXX) tập trung xét hỏi về mối quan hệ giữa bị cáo Nghệ với Trang, quá trình tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài đánh bắt trái phép. Bị cáo Nghệ thừa nhận toàn bộ hành vi theo cáo trạng của VKS, chỉ xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội; thuộc trường hợp nghiêm trọng đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại của Nhà nước, xâm phạm đến trật tự an ninh vùng biển biên giới.

Mặt khác, tình trạng tổ chức cho người khác trốn sang nước ngoài bằng đường biển, cũng như khai thác đánh bắt trái phép hiện diễn ra phức tạp tại địa bàn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Vì mục đích tư lợi cá nhân, một số đối tượng bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội. “Với tính chất nghiêm trọng nêu trên, TAND huyện Trần Văn Thời đưa bị cáo Nghệ ra xét xử công khai và có mức hình phạt thật nghiêm đối với bị cáo, nhằm răn đe cho những ai xem thường pháp luật như hành vi của Nghệ đã thực hiện ở vụ án này” - HĐXX nhấn mạnh.

Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Nghệ 2 năm tù về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”; tịch thu sung công quỹ tàu cá KG-94137-TS.