Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Cá nhanh thắng cá chậm" và chuyện startup chuyển đổi số giữa "bão" Covid-19

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 đã gây ra “cơn ác mộng” đối với nhiều startup, khiến hoạt động của họ bị đứt gãy, lâm vào đường cùng. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội cho các DN biết tận dụng chuyển đổi số để tìm ra hướng đi phù hợp trong tình hình mới.

Chuyển đổi số bài bản - "chìa khóa" giành ưu thế trên đường đua
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, "cơn bão" dịch bệnh này cũng làm thay đổi hành vi người dùng, tạo ra những xu hướng phát triển mới của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, tạo ra nhiều cơ hội khởi nghiệp. Nhiều startup đã thành công khi đón đầu được cơ hội này và sử dụng công nghệ số để tăng tốc.
Cùng hoạt động trong thị trường chăm sóc sức khỏe con người đầy cạnh tranh, nhưng ứng dụng Doctor Anywhere Việt Nam nhanh chóng thành công khi tăng lượng người dùng lên 600% so với trước dịch Covid-19. Đây là kết quả của việc nắm bắt được nhu cầu người dùng khi dịch bùng phát. Theo đó, ứng dụng cung cấp dịch vụ từ thăm khám đến giao thuốc tận tay, người bệnh sẽ không cần phải di chuyển mà vẫn có mọi dịch vụ tận nơi, giảm thiểu tối đa rủi ro lây nhiễm chéo cho người dùng.
CEO Doctor Anywhere Việt Nam Lê Ngọc Hải cho rằng, thành công của Doctor Anywhere Việt Nam chính là đã đi nhanh đón đầu xu hướng tiêu dùng, trong đó yếu tố công nghệ là chìa khóa trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
Khách hàng sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe online
Cùng quan điểm, Giám đốc Khối tư vấn công nghệ số FPT Digital Vương Quân Ngọc đưa cho rằng, trong thời kỳ kỷ nguyên số hiện nay, thuật ngữ “cá lớn nuốt cá bé” thực tế đã không còn đúng, mà nó đã chuyển thành “cá nhanh thắng cá chậm”. DN nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua.
“Chuyển đổi số không phải chỉ chuyển đổi về công nghệ, mà còn là về tư duy, cách thức vận hành. Do đó, người lãnh đạo có vị trí quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của DN, phải nhạy bén, quyết liệt trong việc ứng dụng công nghệ và có tầm nhìn công nghệ số để có chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể” - ông Vương Quân Ngọc cho hay.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những mặt tiêu cực, Covid-19 cũng là một phép thử lớn, buộc các DN phải linh hoạt hơn trong thay đổi chiến lược kinh doanh. DN nào càng linh hoạt về mô hình kinh doanh, càng đa dạng về sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là chủ động trong quá trình chuyển đổi số thì càng vững vàng vượt qua đại dịch.
Khi dịch Covid-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các DN phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. Từ đó, tỷ lệ các DN ứng dụng các công nghệ số cao gần bằng tỷ lệ DN đã ứng dụng trong thời gian dài trước đây. Cụ thể như trong quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ.
Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều DN Việt Nam sử dụng nhiều nhất với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Tiếp theo là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình với xấp xỉ 30% DN nghiệp đã ứng dụng các công cụ này trong hoạt động của DN trước khi có Covid-19 và xấp xỉ 19% số DN đã bắt đầu sử dụng các công cụ này từ khi có dịch bệnh.
Cần đòn bẩy từ chính sách
Tuy nhiên, thực tế công cuộc chuyển đổi số của các DN trong nước cũng đang gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt là các DN non trẻ. Đầu tiên là bài toán về hạ tầng công nghệ.
Chuyên gia chuyển đổi số Lê Trung Nghĩa - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, chuyển đổi số chính là việc ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động của DN, chính vì vậy đòi hỏi trình độ rất cao của cả kỹ thuật cũng như nhân lực. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn đi sau thế giới về mặt công nghệ, chúng ta chưa làm chủ được các công nghệ lõi của chuyển đổi số, các hệ thống platform cơ bản. Chính vì vậy, chuyển đổi số tại Việt Nam hiện vẫn cơ bản sử dụng các công nghệ sẵn có trên thế giới.
Một bài toán nan giải nữa đó là nguồn vốn. Bởi đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư để thay đổi, từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, cơ sở hạ tầng tới giải pháp công nghệ chính, vì vậy đây là công cuộc đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Đối với các startup non trẻ, có ngân sách hạn chế, điều này làm chậm quá trình chuyển đổi số trong các DN. “Do đó, ngoài nỗ lực từ chính nội tại DN, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ Chính phủ, các ban, ngành” – chuyên gia Lê Trung Nghĩa nhấn mạnh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong các DN, nhất là trong bối cảnh thách thức của thiên tai, dịch bệnh và công nghệ 4.0, thời gian qua Hà Nội đã có nhiều chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số ở các DN. Và mới đây nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã giao Trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ Hà Nội xây dựng “Kế hoạch hỗ trợ DN chuyển đổi số”, dự kiến sẽ trình UBND TP phê duyệt trong quý 4/2021.
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ Hà Nội Lê Văn Quân cho biết, mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ DN trên địa bàn TP chuyển đổi số thành công, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN. Trong đó, nhiệm vụ sẽ tập trung xây dựng các công cụ, nền tảng, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số cho DN. Tiếp đến là kết nối, hợp tác với các chuyên gia trong nước và quốc tế về chuyển đổi số, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số cho các DN Hà Nội. Tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức cho DN về chuyển đổi số. Song song với đó, TP sẽ triển khai phát triển các công cụ, nền tảng số hỗ trợ DN chuyển đổi số theo mô hình xã hội hóa, tìm kiếm, ươm tạo các DN đổi mới sáng tạo phát triển các công cụ, giải pháp công nghệ chuyển đổi số, nền tảng số.