Theo đánh giá, kinh tế hợp tác, HTX tiếp tục phát triển, đang trở thành thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế - xã hội. Đến nay, cả nước có 23.280 HTX, 104.861 tổ hợp tác và 75 liên hiệp HTX. Hằng năm, có hơn 2.000 HTX và 7.000 tổ hợp tác thành lập mới. Loại hình HTX phát triển đa dạng trong nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả ngày càng tăng, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng đầu vào, đầu ra cho thành viên. Khối lượng và giá trị hàng hoá, chi phí (giá cả) dịch vụ đầu vào cho thành viên thấp hơn từ 5 - 10% so với hộ cá thể, thu nhập của thành viên tăng 5 - 35%.
Nhiều HTX có khả năng cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu; có nhiều mô hình HTX khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao; thành lập liên hiệp HTX làm “đầu kéo” cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho HTX. Không ít HTX quy mô lớn, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, đa ngành.
Số lượng và tỷ trọng hàng hóa tiêu dùng do HTX sản xuất cung ứng cho thị trường tăng qua hằng năm, góp phần ổn định giá cả thị trường; tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và thu nhập, phát triển cơ sở chính trị; củng cố an ninh, quốc phòng ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
Đáng chú ý, đến tháng 6/2019, cả nước có 1.400 HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp. Hiệu quả, lợi ích mang lại cho thành viên tăng lên so với trước đó: Chi phí đầu vào thấp hơn 8 - 12%, chất lượng sản phẩm cao hơn, doanh thu tăng gấp 2 lần, thu nhập của thành viên tăng 36% do chi phí đầu vào giảm, giá bán sản phẩm tăng; lan toả mô hình HTX kiểu mới trong cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức của cấp ủy và chính quyền địa phương, thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết với HTX...