Cả nước có 26.788 học sinh bỏ học

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Địa bàn có HS bỏ học nhiều chủ yếu là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phải đi học xa, đường đi lại không thuận lợi, tập quán sinh hoạt lạc hậu...

KTĐT - Địa bàn có HS bỏ học nhiều chủ yếu là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phải đi học xa, đường đi lại không thuận lợi, tập quán sinh hoạt lạc hậu...

Bộ GD-ĐT công bố, đầu năm học 2009- 2010, cả nước có 26.788 trong số 14.970.481  học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,18%. Tỷ lệ này của thời điểm năm ngoái là 0,56%.

Trong đó, có hơn 3.000 HS tiểu học, hơn 12.500 HS THCS và hơn 11.000 HS THPT.

Theo giải thích của Bộ này, nguyên nhân dẫn tới tình trạng học sinh bỏ học là nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện cho con em đi học hoặc không có điều kiện quan tâm, chăm sóc việc học hành, một số phải bỏ học sớm tham gia lao động.

Nguyên nhân khác là một bộ phận HS học lực quá yếu, kém, không có khả năng lên lớp hoặc tốt nghiệp cấp học; nhiều HS chưa nhận thức đúng mức về động cơ học tập, chưa có ý thức vươn lên.

Địa bàn có HS bỏ học nhiều chủ yếu là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phải đi học xa, đường đi lại không thuận lợi, tập quán sinh hoạt lạc hậu... Ngoài ra còn nguyên nhân khác như ảnh hưởng của thiện tai, dịch bệnh, các ảnh hưởng của xã hội, bạn bè lôi kéo.

Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục nắm vững và phân loại học sinh có nguy cơ bỏ học theo các nguyên nhân khác nhau để có giải pháp khắc phục kịp thời đối với từng trường hợp cụ thể.

Các biện pháp chủ yếu là tuyên truyền và nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng, vận động học sinh bỏ học đi học trở lại, đồng thời hỗ trợ các địa phương khó khăn và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo HS yếu kém để các em theo kịp chương trình...

Cũng theo tính toán của Bộ GD-ĐT, Cà Mau là tỉnh có nhiều HS bỏ học do phải chi phí nhiều tiền đò. Năm học qua, tỉnh đã hỗ trợ 21 triệu đồng tiền đò cho HS nên số bỏ học chỉ còn 70 em.