Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh nghiệm phát triển đường sắt đô thị của các nước

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại một số nước trên thế giới, hệ thống đường sắt đô thị (ĐSDT) trở thành điểm sáng trong phát triển hạ tầng cơ sở, với công nghệ tiên tiến, góp phần thúc đẩy giao thương cũng như đem lại sự thuận tiện và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Việt Nam có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu của họ để áp dụng vào việc phát triển hệ thống ĐSĐT của riêng mình.

Nhật Bản phát triển mạng lưới đường sắt đô thị rộng khắp

Nhật Bản là một trong những nước trên thế giới tiên phong phát triển ĐSĐT, với mạng lưới trải rộng nhiều thành phố trên khắp cả nước, hiện đại và đồng bộ.

Điểm sáng trong quy hoạch về phát triển ĐSĐT của Nhật Bản nằm ở việc chú trọng vào quy hoạch tổng thể, bên cạnh đó là đầu tư công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn vận hành và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Hệ thống tàu điện ngầm của Nhật Bản được xây dựng và quản lý vận hành theo hợp tác công tư bởi Tổng công ty nhà nước Toei Subway và công ty tư nhân Tokyo Metro. Tính trên tất cả các hệ thống tàu công cộng cả nước, trung bình một ngày Nhật Bản đón 13.95 triệu khách di chuyển. Con số dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Tuyến đường sắt đô thị tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Tuyến đường sắt đô thị tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Bài học của Nhật Bản trong hơn một thế kỷ qua cho thấy đường sắt đô thị giúp tối ưu hóa hiệu suất sử dụng đất, nâng cao tiện nghi và sự thuận tiện, giảm kẹt xe và lượng khí thải thải, tiết kiệm thời gian, đồng thời tăng đẩy giá trị bất động sản lên cao.

Theo ông Shimizu Giám đốc phòng kinh doanh quốc tế, Công ty TNHH Tokyo Metro Nhật Bản, một dự án xây dựng phát triển ĐSĐT thành công cần cân bằng giữa yếu tố lợi ích của các tổ chức và các bên liên quan, và các dự án cần có tính liên kết chặt chẽ.

“Chúng tôi chú trọng tìm hiểu nắm bắt nhu cầu của khách hàng sử dụng xung quanh nhà ga dọc tuyến ĐSĐT, và tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đó. Một trong những điều quan trọng là tạo ra sự liên kết giữa bên sở hữu đất với đơn vị kinh doanh đường sắt đô thị” - ông Shimizu cho biết.

Singapore và Malaysia cùng thúc đẩy phát triển hệ thống đường sắt đô thị an toàn, hiện đại

Một quốc gia châu Á khác đó là Đảo quốc sử tử Singapore, nơi có hệ thống ĐSĐT hiện đại và an toàn bậc nhất thế giới , góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội mạnh mẽ.

Hiện Singapore đang khai xây dựng và quy hoạch hệ thống giao thông công cộng, nhằm tối đa hiệu quả kết hợp sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu cao tốc và tàu điện. Đất nước này chú trọng vào việc thu hút đầu tư tư nhân, áp dụng công nghệ thông tin và tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân.

Ông Baey Yam Keng - Thư ký Quốc hội cấp cao về Giao thông vận tải, cho biết người dân Singapore có ý thức tốt trong việc chấp hành nguyên tắc chung trên phương tiện công cộng. “Tôi rất vui vì hành khách của chúng tôi luôn cảm thấy thoải mái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng”.

Gần đây, Singapore cùng Malaysia ký kết xây dựng cung đường RTS Link kết nối từ trung tâm Singapore đến Phân khu Giáo dục Educity bao gồm 8 tại học danh giá cấp châu lục tại Johor, một tiểu bang ở phía Nam Malaysia, tiếp giáp với Singapore. Tuyến RTS Link là một bước liên kết mang tính lịch sử giúp mang lại lợi ích lớn cho ngành giáo dục.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Malaysia, Datuk Seri Anwar Ibrahim cũng đang vô cùng mong chờ dự án này giữa hai nước. Chia sẻ với báo giới tại Văn phòng Thủ tướng, ông Lý Hiển Long cho biết: “Những dự án ĐSĐT đem lại giá trị trực tiếp cho những người dân sinh sống và làm việc giữa hai nước, đồng thời nâng cao quan hệ song phương giữa hai nước.”

Theo Tiến sĩ Nor Aziati Abdul Hamid - Giáo sư Trung tâm nghiên cứu Đường sắt (ICoE-Rail) thuộc Đại học Tun Hussein Onn, Malaysia phát triển ĐSĐT không chỉ đem lại thuận lợi cho người dân di chuyển mà còn thúc đẩy ngành du lịch khi có thể liên kết giao thông với các cung đường thuận tiện cho khách du lịch nhiều quốc gia khác nhau khi đến thăm TP Singapore. Bà cũng chia sẻ thêm việc sở hữu những tuyến đường sắt chiến lược có thể góp phần giúp Singapore sánh ngang với các đô thị lớn.

Pháp chú trọng kết nối đường sắt đô thị với hệ thống giao thông khác

Trong khi đó ở châu Âu, Pháp nổi tiếng với hệ thống tàu điện ngầm Paris Metro, vận hành từ năm 1900. Pháp chú trọng vào việc kết nối ĐSĐT với các phương tiện giao thông khác, tạo sự thuận tiện cho hành khách trong việc di chuyển đến nhiều điểm khác nhau trong khu vực. Hiện nay Pháp đang hướng tới việc mở rộng mạng lưới và phát triển ĐSĐT, góp phần nâng tầm đô thị.

Trong một lần phát biểu toàn quốc, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố: "Chúng tôi muốn xây dựng lại hệ thống ĐSĐT thành phố trên chính nền móng của thành phố cũ, xóa bỏ sự chia cắt giữa Paris và các vùng ngoại ô, giảm thiểu khoảng cách giữa các khu phố, giữa những cư dân, chúng tôi muốn khôi phục sự thống nhất, liên tục và đoàn kết".

Kiến trúc sư Dominique Perrault, người được ủy quyền thiết kế đã giới thiệu bản đồ mới của Greater Paris (Paris Mở rộng) vượt ra ngoài ranh giới nội thành. Đây được coi là một dự án tương lai của các thành phố đông đúc trên thế giới, với tầm nhìn quy hoạch có thể vận chuyển 12 triệu người.

“Chúng tôi đang xây dựng một diện mạo kép cho Paris. Mục tiêu là tạo ra một bộ khung mới, có khả năng và sức mạnh để trở thành một cấu trúc mới cho khu đô thị” - kiến trúc sư này chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia, tại bất cứ quốc gia nào, điều tiên tiên quyết là xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống ĐSĐT một cách bài bản và đồng bộ. Quy hoạch cần xác định rõ mục tiêu phát triển, nhu cầu vận chuyển, khả năng tài chính và quỹ đất để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tế.

Việc quy hoạch cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng liên quan để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ trong quá trình triển khai; tiếp đến là cơ chế tài chính, hệ thống ĐSĐT hiệu quả đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn.