Cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV, đúng 8 giờ sáng 27/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em theo hình thức trực tuyến. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến cử tri và Nhân dân cả nước.

Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tuy nhiên, vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Theo Báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn giám sát (từ 1/1/2015 đến 30/6/2019) có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

Đoàn giám sát nhận thấy, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
 Toàn cảnh  phiên họp trực tuyến thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đạt được những kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ.
Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh trong gia đình, nhà trường và xã hội nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em được tăng cường. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn, qua đó góp phần hạn chế những tổn hại về thể chất, tinh thần mà trẻ em phải gánh chịu.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được tiến hành kịp thời, nghiêm minh.
Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em từng bước được củng cố, kiện toàn; tại các tỉnh, thành phố đều hình thành đội ngũ cộng tác viên tham gia công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tổ chức phối hợp liên ngành về công tác trẻ em được thành lập ở địa phương các cấp; nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được thành lập. Kinh phí bố trí cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng từng bước được quan tâm hơn.
Chế tài xử phạt chưa bảo đảm tính răn đe
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Trước hết là, một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe.
 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được tiến hành thường xuyên; hình thức tuyên truyền chậm đổi mới; nội dung tuyên truyền còn nghèo nàn, chưa thiết thực.
Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; vẫn để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, thậm chí xảy ra cả trong gia đình và nhà trường. Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với sự phát triển của du lịch, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có cả những đối tượng đã có án tích về xâm hại trẻ em, nhưng biện pháp quản lý, giám sát các đối tượng này chưa chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch, đặc biệt là xâm hại tình dục. Ủy ban nhân dân một số địa phương chưa quan tâm bố trí đất đai, đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.
Công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại còn một số hạn chế; nhiều địa phương chưa thống kê đầy đủ, chính xác số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nên không cảnh báo được nguy cơ và biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em chưa tương xứng với tình hình.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao; hầu như chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu về phòng, chống xâm hại trẻ em; qua thanh tra, kiểm tra, rất ít phát hiện được vi phạm, trong khi tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Việc giải quyết một số vụ xâm hại trẻ em chưa kịp thời, chưa nghiêm, một số trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em tại nhiều địa phương còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều việc, thường xuyên có sự thay đổi, một bộ phận hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là cấp xã. Kinh phí bảo đảm cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Quản lý nhà nước chưa thực sự hiệu quả
Những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em có nhiều nguyên nhân. Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga cho biết, Đoàn giám sát của Quốc hội nhấn mạnh 9 nguyên nhân cơ bản.
Cụ thể là, một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, thậm chí, một số nơi còn coi nhẹ công tác này. Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em có những nhiệm vụ còn chưa thực sự hiệu quả.
 Quốc hội Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Quá trình triển khai thi hành Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan, một số cơ quan, địa phương, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm; việc xử lý một số vụ việc xâm hại trẻ em còn chậm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp còn chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương trong phòng, chống xâm hại trẻ em còn chưa chặt chẽ. Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em cả về cán bộ, cơ sở vật chất và kinh phí còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Cùng với đó là mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, kéo theo một số vấn đề xã hội có liên quan đến trẻ em, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Những tác động xấu của mạng internet, mạng xã hội dẫn đến nhiều nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đặc điểm của các vụ xâm hại trẻ em phần nhiều xảy ra ở những nơi kín đáo, vắng vẻ, không có người chứng kiến, nhiều trẻ em là nạn nhân tuổi còn quá nhỏ, chưa nhận thức được đầy đủ sự việc; còn một số phong tục tập quán lạc hậu, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số chưa được xóa bỏ.
Khắc phục tồn tại, hạn chế, giảm số vụ xâm hại trẻ em

Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có kiến nghị cụ thể đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 5 kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; 15 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ thuộc Chính phủ; đồng thời có kiến nghị đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Trong đó, Đoàn giám sát nhấn mạnh một số giải pháp, kiến nghị, với Quốc hội, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Với Chính phủ, có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ xâm hại trẻ em. Ngay trong năm 2020, Đoàn giám sát yêu cầu Chính phủ cần ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các Bộ ban hành các văn bản gồm: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em; Quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em; Quy định về điều tra thân thiện đối với trẻ em.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Công an bảo đảm tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt trên 90%; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bảo đảm ra quyết định truy tố đúng thời hạn và truy tố bị can đúng tội danh đạt 100%; Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm tỷ lệ giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em đạt trên 90%; Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm Luật Trẻ em giao và tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tình trạng trẻ em bị xâm hại vẫn còn cao

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 30/6/2019, cả nước có 24.776.733 trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước. Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em, như: Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, học tập, phát triển năng khiếu, quyền bí mật đời sống riêng tư. Đến nay, tất cả trẻ em dưới 06 tuổi được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí; gần 100% trẻ em dưới 01 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; Nhà nước không thu học phí đối với học sinh học tiểu học; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học đều giảm mạnh trong 20 năm qua, từ 20,9% năm 1999 xuống còn 16,4% năm 2009 và đến năm 2019 còn 8,3%. Số trẻ em bỏ nhà đi lang thang đã giảm mạnh, nhiều địa phương triển khai các biện pháp tích cực để không còn trẻ em bỏ nhà đi lang thang…

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính: 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó: Xâm hại tình dục: 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại; Bạo lực trẻ em: 857 trẻ em (giết trẻ em: 191 trẻ, cố ý gây thương tích: 666 trẻ), chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại; Mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em: 106 trẻ em, chiếm 1,22% tổng số trẻ em bị xâm hại...

Theo Báo cáo của Chính phủ còn có 790.518 trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động; 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ em 15 tuổi tảo hôn...