Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các bệnh lý tiêu hóa dễ mắc mùa dịch

BS. Nguyễn Hữu Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong mùa dịch Covid-19, do chế độ ăn uống không lành mạnh, stress, bệnh mạn tính có sẵn… ta rất dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa. Vì thế, cần nhận biết các dấu hiệu để quyết định trường hợp nào có thể trì hoãn, trường hợp nào cần tới bệnh viện ngay.

TS. BS Võ Duy Long - Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược Hồ Chí Minh cho biết, hiện mỗi ngày ông tiếp vài chục cuộc điện thoại từ bạn bè, người bệnh cũ và người thân để hỏi về các dấu hiệu bệnh lý tiêu hóa họ đang gặp phải. Có một số trường hợp nghiêm trọng, không thể trì hoãn, cần phải khám trực tiếp mới có thể đưa ra chẩn đoán chính xác, bác sĩ Long đã yêu cầu người bệnh tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, không nên vì sợ dịch Covid-19 mà bỏ qua cơ hội chữa trị bệnh.

Nhóm bệnh lý nội khoa

Theo bác sĩ Long, bệnh lý tiêu hóa được chia làm hai nhóm là nội khoa (điều trị bằng thuốc) và ngoại khoa (can thiệp bằng phẫu thuật). Trước tiên, đối với nhóm bệnh tiêu hóa nội khoa, các bệnh lý hay gặp nhất là viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn, viêm ruột, viêm đại tràng mạn tính, táo bón…
 Nội soi dạ dày giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý về dạ dày. Ảnh: Ngọc Hồng

Một số người có tiền căn bị viêm dạ dày từ trước. Mùa dịch ở nhà ăn ngủ không điều độ, bỏ bữa; lo lắng về kinh tế, sức khỏe và công việc rất dễ làm khởi phát cơn đau dạ dày. Stress và chế độ sinh hoạt không điều độ cũng có thể làm khởi phát bệnh viêm loét dạ dày ở những người chưa từng có tiền sử bệnh.

Đa số các trường hợp đau dạ dày tạm thời không cần đi bệnh viện mà có thể dùng thuốc tại nhà. Thuốc tráng niêm mạc dạ dày được bán ở hiệu thuốc. Với những người có tiền căn viêm loét dạ dày, trong nhà lúc nào cũng nên có sẵn thuốc phòng hờ. Nếu sau khi uống thuốc mà cơn đau không giảm, bệnh nhân phải tới bệnh viện khám, không được trì hoãn thêm để loại trừ cơn đau do nguyên nhân khác.

Thời gian này, do không thể đi chợ mỗi ngày, người dân dự trữ thực phẩm nhiều hơn bình thường. Nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách, rất dễ xảy ra tình trạng thức ăn bị nhiễm khuẩn, ăn vào gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn thì ngộ độc thực phẩm. Các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa là sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy. Nếu chỉ bị tiêu chảy ít, người bệnh có thể bù nước bằng các loại thuốc cân bằng điện giải như Oresol, uống nhiều nước lọc.

Với trường hợp tiêu chảy nhiều lần, bù nước bằng cách thông thường sẽ không đủ. Lúc này, cần đưa bệnh nhân nhập viện để được truyền dịch. Phải sử dụng thuốc cầm tiêu chảy dưới sự chỉ định và tư vấn của bác sĩ. Các trường hợp bị tiêu chảy do nhiễm trùng mà lại uống thuốc cầm tiêu chảy sẽ khiến dịch độc tố không thải ra ngoài được, từ đó có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Bên cạnh viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, những bệnh lý nội khoa đường tiêu hóa hay mắc phải còn có viêm đại tràng mạn tính, táo bón. Triệu chứng của viêm đại tràng mạn tính là đau bụng, đi ngoài nhiều lần, phân lúc lỏng lúc táo, mệt mỏi… Các trường hợp bị táo bón là do chế độ ăn uống thiếu chất xơ, rau xanh… Những vấn đề này có thể điều trị bằng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống; nếu thuyên giảm thì người bệnh có thể đến gặp bác sĩ sau khi kết thúc thời gian giãn cách.

Khi gặp phải các triệu chứng nói trên, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ vẫn đang theo dõi sức khỏe cho mình hoặc gọi đến số điện thoại hỗ trợ về y tế mà Sở Y tế đã thông tin trên các phương tiện truyền thông.

Bệnh lý cần can thiệp phẫu thuật

Vấn đề về bệnh lý đường tiêu hóa nguy hiểm hơn là nhóm cần phải can thiệp ngoại khoa. Đó là khi người bệnh xuất hiện các cơn đau bụng cấp. Đau bụng cấp tùy từng vị trí là dấu hiệu ban đầu của rất nhiều bệnh lý như viêm ruột thừa, thủng dạ dày (do viêm loét dạ dày nặng gây biến chứng), viêm tụy cấp, viêm túi mật, sỏi mật, viêm tắc động mạch treo…

Lưu ý, khi cảm thấy đau bụng kéo dài kèm sốt, người bệnh không nên tự ý điều trị bằng thuốc mà nên tham vấn bác sĩ. Với một số bệnh như viêm ruột thừa ở giai đoạn đầu, dùng thuốc sẽ làm thuyên giảm triệu chứng nhưng đó là sự thuyên giảm "giả tạo", rất nguy hiểm. Vì triệu chứng đau giảm đi nên người bệnh sẽ chủ quan, trong khi đó bệnh vẫn âm thầm tiến triển dẫn tới ổ viêm nhiễm vỡ ra gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng ổ bụng, đe dọa tính mạng.

Tóm lại, khi xuất hiện các cơn đau bụng kèm theo sốt kéo dài từ 3 - 4 ngày, thậm chí đau dai dẳng trong vòng một tuần thì phải đi bệnh viện ngay.