Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các Bộ phải “thổi còi”!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau chuyện Đà Nẵng từ chối ứng viên có bằng tại chức, tại kỳ tuyển dụng công chức vừa qua, hội đồng tuyển dụng tỉnh Nam Định lại gạt khỏi danh sách những ứng viên tốt nghiệp các trường đại học dân lập hoặc tư thục.

 Bên lề Quốc hội, GS Đào Trọng Thi (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đây là việc làm "không thể chấp nhận được".

- Quy định không tuyển dụng làm cán bộ, công chức những sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập vừa qua của tỉnh Nam Định khiến dư luận xôn xao, phần lớn các ý kiến không đồng tình, ý kiến riêng của ông thế nào?

UBND tỉnh Nam Định với tư cách là một cơ quan quản lý nhà nước mà lại ban hành một văn bản mang tính chất định kiến như vậy là trái với tinh thần của luật pháp. Luật Giáo dục công nhận bằng cấp của hệ thống đào tạo công lập và ngoài công lập (NCL) tương đương nhau. Bởi vậy, một cơ quan quản lý nhà nước không công nhận bằng cấp của trường NCL, thứ nhất là trái với tinh thần của luật; thứ hai là trái với chủ trương của Đảng và Nhà nước về chủ trương xã hội hóa giáo dục; thứ ba cũng không có căn cứ gì để nói rằng đó là vì chất lượng của đối tượng tuyển dụng. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để tăng thêm các nguồn đầu tư cho lĩnh vực này. Trong đó, chúng ta rất chú trọng phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập và còn muốn giáo dục ngoài công lập chiếm 40% (hiện mới đạt 14 - 15%). Nếu ra lệnh này, chẳng khác gì ngăn chặn xu hướng đó.

- Cũng có ý kiến cho rằng, đây là lời cảnh báo cần thiết về chất lượng đào tạo của các trường NCL?

Chẳng có cơ sở gì để khẳng định sinh viên NCL là kém. Có thể đánh giá chung thì thấy khối này có vẻ kém khối kia nhưng đây là tuyển dụng con người cụ thể. Trường NCL vẫn có những sinh viên giỏi, thậm chí giỏi hơn sinh viên loại trung bình, loại khá của trường công lập, và tôi nghĩ cũng có thể có cả sinh viên giỏi nhất. Vì vậy, nếu không tuyển sinh viên tốt nghiệp các trường dân lập, có thể mất đi một nguồn nhân tài có thể có.

Không thể dùng một hành động sai trái để ngăn chặn, cảnh báo một hiện tượng. Nói làm như vậy để "cảnh báo" về chất lượng đào tạo là ngụy biện. Cho đến thời điểm này, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục & Đào tạo -  những cơ quan trực tiếp liên quan đến vấn đề này - chưa thấy ai lên tiếng. Nhưng tôi nghĩ, các Bộ cần phải “thổi còi” với những quy định trái pháp luật này.

- Cả hai Bộ chưa lên tiếng, nhưng Ủy ban Văn hoá Giáo dục và Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có biện pháp can thiệp gì không, thưa ông?

Chúng tôi giám sát là giám sát việc thực thi pháp luật của Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ, bởi vậy chỉ khi nào hiện tượng này lan rộng, phổ biến và có nguy cơ ảnh hưởng đến chính sách pháp luật của nhà nước thì Ủy ban sẽ đặt vấn đề giám sát. Nhưng giám sát của chúng tôi không phải giám sát những đơn vị cụ thể mà giám sát việc thực thi pháp luật của nhà nước. Riêng hiện tượng lẻ tẻ này, hoàn toàn nằm trong tầm tay và nằm trong trách nhiệm của Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT. Hai Bộ đó phải xem xét và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

- Ở các địa phương, dường như việc tuyển dụng công chức vẫn mang nặng tính hình thức?

Đúng vậy, công tác tuyển dụng công chức hiện nay nhìn chung hời hợt và mang nặng tính hình thức. Trong quá trình tuyển chọn ấy, họ ít quan tâm tới yếu tố đánh giá năng lực thực sự của người được tuyển chọn. Bằng cấp rất quan trọng nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì quá nông nổi để đánh giá năng lực của một người. Một cuộc thi chung của tất cả những người làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau thì làm sao đánh giá được năng lực chuyên môn. Trong khi lẽ ra phải đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ hoặc xem xét theo một quy trình khác. Tôi cho rằng tốt nhất là qua quá trình thử việc một thời gian. Sau khi thử việc, những người đáp ứng công việc sẽ được thi tiếp để thể hiện sự hiểu biết về trách nhiệm của một công chức.

- Xin cảm ơn ông!