Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nhân khi bàn thảo tìm các giải pháp gỡ nút thắt cho sản xuất và xuất khẩu.
Các biện pháp hỗ trợ tài chính cụ thể sẽ giúp các DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Linh Anh
Chính sách: Kịp thời, nhưng chưa hoàn thiện
Một ý nghĩa lớn nhất của Nghị quyết (NQ) 13/CP ngày 10/5/2012 về tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD), hỗ trợ phát triển thị trường là đưa ra các giải pháp khá đồng bộ, tập trung giảm gánh nặng tài chính và bổ sung vốn dự án đầu tư cho DN. Điển hình là gia hạn 6 tháng nộp thuế GTGT, 9 tháng nộp thuế TNDN, gia hạn tối đa 12 tháng nộp tiền sử dụng đất, giảm 50% tiền thuê đất phải nộp, miễn thuế khoán GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN (theo đối tượng nhất định), đẩy nhanh thực hiện giải ngân các dự án đầu tư, hạ mặt bằng lãi suất, cơ cấu lại nợ...TS Nguyễn Minh Phong, Phó Ban tuyên truyền lý luận báo Nhân dân cho rằng: Các biện pháp NQ 13/CP đưa ra về cơ bản là kịp thời, linh hoạt, giúp SXKD và thị trường có thêm động lực vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, để các chính sách này thực sự có hiệu quả, Nhà nước cần hạ nhanh và nhiều hơn mức thuế các loại, trong đó có hạ thuế TNDN (ví dụ từ 25% xuống 20%), áp dụng một loại mức VAT chung (chẳng hạn 5%). Đồng thời, áp lại trần lãi suất cho vay bám sát trần lãi suất huy động không quá 3%, tăng cường sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc và mua bảo hiểm tiền gửi tùy quy mô và tính chất tín dụng của ngân hàng (NH)…
"Chính sách cần giảm tải gánh nặng thể chế cho DN và xã hội thông qua nhiều đột phá cụ thể và mạnh mẽ hơn về phân cấp và trách nhiệm cá nhân trong quản lý Nhà nước, đơn giản hóa thủ tục và gia tăng chế tài xử lý các hành vi nhũng nhiễu làm tăng chi phí trung gian, phi chính thức cho DN và người dân..." - TS Phong nhấn mạnh. Doanh nghiệp: Mong giá trị đích thực của chính sách
Nhiều công ty làm hàng XK phản ánh, đã ký hợp đồng XK cho năm nay và đầu năm sau, nhưng chính sách cho DN vay chỉ trong thời gian 3 - 6 tháng nên rất khó khăn về vốn. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho biết: Cái vướng của nhiều DNNVV hiện nay là thủ tục tiếp cận hỗ trợ vốn còn khó khăn. Gần 2 năm trước, Chính phủ có Nghị quyết 03 về hỗ trợ DNNVV vay vốn khi không có tài sản bảo đảm, giao Bộ Tài chính và NHNN hướng dẫn thực hiện, song đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nên các NH chưa triển khai. Ông Kiên cũng chia sẻ: "Ngoài những biện pháp rất tốt về xử lý tài chính như giãn, giảm thuế, DN mong Chính phủ xem xét khoanh nợ cho các DN, cho những DN có dự án khả thi được tiếp tục vay vốn".
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền thẳng thắn nhận xét: Thực tế, trong ngành chế biến gỗ có hơn 4.000 DN nhưng chỉ khoảng 20% vay được lãi suất hỗ trợ, vì điều kiện cho vay rất khắt khe. NH yêu cầu DNNVV có tài sản thế chấp, đề án kinh doanh... Tuy nhiên, trong ngành gỗ có tới 3 vạn hộ gia đình kinh doanh, không thể đưa ra đề án kinh doanh để thỏa mãn yêu cầu này. Những thắc mắc này của DN được giải tỏa, khi đó chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống. Đại diện một ngành hàng đang rất khó khăn về lao động và đơn hàng XK, ông Phí Ngọc Trịnh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm đề xuất: Cơ quan làm chính sách nên có những động thái "xa" hơn, như tăng thời gian gia hạn nộp Thuế thu nhập DN để DN có đủ thời gian phục hồi, hay cần ưu đãi hơn cho những ngành hàng đặc thù sử dụng nhiều lao động. Rõ ràng, cộng đồng DN đặt nhiều niềm tin vào những gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, nhưng câu hỏi đặt ra là hiệu quả thực sự mang lại đến đâu? Như gói hỗ trợ lãi suất 4% cho DN XK triển khai năm 2008, nhiều DN vẫn "kêu" khó tiếp cận, Chính phủ cần can thiệp mạnh hơn để các NH "mở hầu bao" cho DN tiếp cận vốn. Đúng như nhận xét của TS Nguyễn Xuân Sơn, Phó Vụ trưởng - Phó Trưởng ban cải cách hiện đại hóa Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính): Nếu chính sách kịp thời đến được với những DN đang thực sự cần giúp sức, nó sẽ rất đáng giá. Chính vì vậy, vấn đề không chỉ là chủ trương, chính sách của Chính phủ mà là các bộ, ngành quyết liệt triển khai chính sách đó đến đâu.
Để chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống, cùng với những động thái mạnh từ Chính phủ và các bộ, ngành, kiến nghị của DN cũng cần cụ thể, hợp tình hợp lý và dẫn chứng rõ ràng từ thực tế hoạt động của mình. Có như vậy, cơ quan hoạch định chính sách mới chú ý lắng nghe và "hấp thụ". Thực tế thời gian qua, nhiều khi DN "kêu" cần giảm thuế, giảm lãi suất... một cách chung chung, còn cơ quan quản lý lại chưa hiểu thực sự DN cần gì. Muốn vậy, mỗi DN nên có một bộ phận chuyên cập nhật nghiên cứu chính sách của Nhà nước. Điều này đang triển khai tương đối tốt ở khối DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đáng tiếc tại khu vực kinh tế Nhà nước có tình trạng DN không quan tâm mà chỉ lắng nghe một cách thụ động, cơ quan tham mưu không tư vấn được cho lãnh đạo DN về chính sách mới... Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong |