Theo quy hoạch phát triển vùng, TP Hồ Chí Minh nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa là thị trường tiêu thụ nguyên vật liệu đa dạng lớn nhất, vừa liên kết kinh tế giữa miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, là những vùng có nguồn nguyên liệu nông nghiệp, cây công nghiệp tập trung quy mô lớn nhất cả nước, có nguồn tài nguyên giá trị kinh tế cao, đặc biệt là dầu khí. TP Hồ Chí Minh đóng vai trò là cửa ngõ xuất khẩu của vòng.
Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đóng góp ý kiến. |
Bên cạnh đó, thành phố được xác định là một trong những thị trường lớn để kết nối và đẩy mạnh phát triển du lịch giữa các vùng trong cả nước. Đến nay, ngành du lịch thành phố đã ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch song phương, đa phương với 48 tỉnh, thành, trong đó có 13 tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Với lợi thế của ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp công nghệ cao để nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, cải tiến các sản phẩm hiện có, đảm bảo lợi ích và tiêu thụ sản phẩm do người dân trong vùng tạo ra, khai thác tiềm năng và lợi thế khu du lịch sinh thái góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân trong vùng. Song song đó, thành phố còn là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao và là nơi chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ hàng đầu của cả nước.
Hiện nay, dân cư TP Hồ Chí Minh tăng gần 9 triệu người, trong đó thực tế có hơn 13 triệu người thường xuyên sinh sống, học tập và làm việc tại đây. Do đó, có nhiều cơ hội để tận dụng tối đa những lợi thế của vùng trong phát triển nguồn nhân lực bền vững, đáp ứng khả năng chuyên môn hóa cao, đồng bộ, đủ sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập.
Với định hướng, mục tiêu tổ chức một mô hình quản lý với đặc điểm của một siêu đô thị, quản lý nền hoạt động quản trị số hóa, thực hiện mô hình chính quyền điện tử một cách liên thông 3 bộ phận: Thể chế hành chính, bộ máy tổ chức và con người để tiến hành phân cấp, phân quyền cho cơ sở theo hướng tinh gọn, cấp trên chỉ chịu trách nhiệm đối với các vấn đề vĩ mô, chỉ đạo tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra, giám sát. Ủy ban nhân dân các cấp chịu sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ hoạt, động giám sát tiếp tục được phát huy thông qua đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội để phục vụ tốt hơn cho người dân, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian và chi phí cho xã hội rất nhiều.
Theo đại biểu Tô Ái Vang, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường nhằm đáp ứng 2 yêu cầu. Thứ nhất là để đạt hiệu quả tối ưu trong giải quyết nhu cầu, nguyện vọng, bức xúc của người dân một cách thực chất nhanh hơn mà không thông qua các cấp trung gian. Thứ hai là góp phần tinh gọn bộ máy chính quyền, bảo đảm sự liên thông, điều hành thống nhất, linh hoạt, phù hợp với đặc thù của địa bàn siêu đô thị. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu, tăng cường vai trò và cơ chế giám sát của cơ quan dân cử ở cấp TP, nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền đại diện cũng như đủ năng lực tiếp nhận và phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang phát biểu. |
Vì thế, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị xem lại cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố phải đủ lực, cần tăng thêm số lượng, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố hoạt động chuyên trách, có thể bao gồm cả một số đại biểu không giữ chức vụ hoạt động chuyên trách tại các ban của Hội đồng nhân dân thành phố, để có thể bao quát được hết công việc. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới, tăng tần suất tiếp xúc cử tri và những kênh thông tin để cử tri tương tác với đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.
Thực hiện mô hình mới với cách làm khoa học, đại biểu Tô Ái Vang tin rằng việc thực hiện ngay mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh sẽ thành công, sớm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và kỳ vọng của Chính phủ, tất cả vì lợi ích của nhân dân. Hy vọng rằng, TP Hồ Chí Minh sẽ làm điểm tựa để TP Cần Thơ nghiên cứu kinh nghiệm, để đến năm 2030 trở thành đô thị trung tâm hạt nhân thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị. Theo xu hướng này, trong tương lai không xa, TP Cần Thơ sẽ từng bước tiến tới chính quyền đô thị mang tính đặc thù của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, cần thiết triển khai tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Bởi vì thành phố là đô thị đặc biệt, là đầu tàu và động lực có sức lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.
Thời gian qua, với sự nỗ lực cao, thành phố đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội khu vực và cả nước. Với vị trí quan trọng, tiềm năng lớn, TP Hồ Chí Minh rất cần tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt, cơ sở hạ tầng dân cư hiện nay. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và xu thế triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là cần thiết, để đủ sức thúc đẩy, tạo chuyển biến lớn, tác động tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh một cách nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nêu quan điểm. |
Về tên gọi và nội dung của nghị quyết, qua đánh giá Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại TP Hồ Chí Minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho thấy, việc triển khai thí điểm của TP Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả tích cực như tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm ngân sách, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường trên diện rộng, là địa phương có số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất, gồm tất cả 24 quận, huyện, 259 phường từ năm 2009 đến năm 2016 theo Nghị quyết số 26 Quốc hội khóa XII.
Khi thực hiện thí điểm quyền làm chủ nhân dân được đảm bảo. Kết quả thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù bối cảnh nền kinh tế thế giới bị suy giảm và tác động bởi dịch bệnh nhưng kinh tế TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục phát triển. GDP tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 7,6%. Tỷ trọng kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2020 chiếm gần 20% GDP cả nước. GDP bình quân đầu người tiếp tục tăng liên tục qua các năm, năm 2020 đạt 6.600 USD, gấp 1,3 lần năm 2015 và gấp 2,4 lần so với cả nước.
Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, việc triển khai tổ chức không tiếp tục thí điểm phù hợp với chủ trương của Đảng về việc không mở rộng thí điểm mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh. Bên cạnh việc thực hiện tổ chức chính quyền theo hình thức này không phải tiếp tục thí điểm cũng phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ năm 2019.
Từ phân tích thực tiễn pháp lý và trước yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng, cấp bách. Việc TP Hồ Chí Minh chính thức thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị mà không phải tiếp tục thí điểm là phù hợp để đảm bảo tính ổn định và tính lâu dài. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 54 còn một số chính sách thí điểm TP chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện ở mức độ thấp, như ban hành các loại phí, lệ phí, thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường… và một số chính sách thí điểm đến nay đã được luật hóa để thực hiện toàn quốc, như quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, sử dụng ngân sách TP, theo quy định đầu tư công năm 2019 hay việc ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ đã được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Năm 2019 đến nay, các quy định này không còn là cơ chế đặc thù riêng cho thành phố mà đã thực hiện toàn quốc.
Đồng thời, cần quy định cụ thể hơn giải pháp đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố về cơ cấu tổ chức, số lượng, nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách theo hướng tăng cường công tác giám sát, phát huy hiệu quả. Song, cần rà soát các chính sách trong Nghị quyết 54 thực sự có hiệu quả, cũng như xem xét để bổ sung những quy định mới, chính sách phù hợp đặc thù vượt trội, có sự khác biệt so với các đơn vị hành chính hiện nay để thực hiện đảm bảo tính ổn định lâu dài và phát huy hiệu quả đạt kỳ vọng khi nghị quyết đã được ban hành.
Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, để triển khai thực hiện nghị quyết từ ngày 01/7/2021, đòi hỏi cần có thời gian chuẩn bị ban hành hướng dẫn tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, các hồ sơ chuẩn bị lần này đầy đủ, chu đáo, đáp ứng được yêu cầu, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết thống nhất xem xét nghị quyết tại kỳ họp theo quy trình rút gọn tại kỳ họp lần thứ 10, để không gây chậm trễ trong triển khai tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đồng thuận giữ tên gọi của cơ quan hành chính quận, phường là Ủy ban nhân dân để đảm bảo tính ổn định, không phát sinh thủ tục và chi phí nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý.
Tán thành và ủng hộ dự thảo nghị quyết mà Chính phủ trình cũng như báo cáo thẩm tra, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, bày tỏ băn khoăn về phương thức thực hiện quyền dân chủ nhân dân ở 2 cấp không có Hội đồng nhân dân.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân nêu ý kiến, phải quy phạm hóa một số giải pháp các đại biểu khác vừa nêu cũng như trong tờ trình có đề cập. Trong Đề án tổ chức chính quyền đô thị kèm theo tài liệu mới có những giải pháp bảo đảm về mặt chính trị, tức là tăng cường vai trò cấp ủy đảng, tăng cường các tổ chức đoàn thể, nhưng đây là văn bản pháp luật quy định nghĩa vụ, quyền hạn của chính quyền cũng như trách nhiệm, quyền hạn của nhân dân, của cử tri là một văn bản pháp luật, cho nên phải có bảo đảm pháp lý.
Bảo đảm pháp lý đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề xuất một số giải pháp cần phải được quy phạm hóa nó bằng các quy định trong nghị quyết. Thứ nhất, trách nhiệm giải trình của chính quyền thành phố, chính quyền quận và phường theo định kỳ đối với những nơi không có Hội đồng nhân dân. Thứ hai, định kỳ tổ chức đối thoại của người đứng đầu chính quyền từng cấp với nhân dân. Vấn đề này, nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt. Bây giờ quy phạm hóa thành các quy định.
Thứ ba, tăng cường thời lượng, số lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố và tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách. Theo đó, một cụm phường nên có một đại diện chuyên trách và sau này nếu có điều kiện tổng kết thực tiễn, thậm chí có thể có một văn phòng của đại biểu Hội đồng nhân dân TP, Văn phòng không chuyên trách để thu thập ý kiến cử tri phản ánh với chính quyền thường xuyên. Thứ tư là phải tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh. Thứ năm là phải có hình thức phù hợp để trưng cầu dân ý và xin ý kiến nhân dân, khi chính sách tác động đến bề mặt rộng liên quan đến địa giới hành chính phường, quận, nhất là thu hồi đất đai. Thực hiện được 5 giải pháp này bằng các quy phạm cụ thể mới bảo đảm được quyền dân chủ của nhân dân thông qua chính quyền và người đại diện của mình.
Ngoài ra, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, đây là lần thứ hai chúng ta ra nghị quyết riêng về TP Hồ Chí Minh. Nói cách khác là chúng ta phân quyền, phân cấp cho TP Hồ Chí Minh cụ thể hơn. Đây là một chủ trương mà Đảng ta đã khởi xướng từ lâu, cùng với chủ trương tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, đây là một bước tiến về phân cấp, phân quyền... nên đề nghị Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội phải tổng kết thực tiễn, đánh giá cho nghiêm cẩn mô hình này. Từ đó, có phân loại các địa phương trong 63 tỉnh, thành để nhóm địa phương có cùng tính chất, có cùng các đặc điểm để phân hóa thành các nhóm cụ thể, có chính sách tác động phù hợp để chúng ta tránh tình trạng ban hành những văn bản riêng rẽ mà chúng ta gọi là đặc thù. Khi tất cả các địa phương đặc thù thì không còn là đặc thù nữa.
"Vừa qua, chúng ta thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Có thể sẽ sinh ra cát cứ về chính sách nên phải có một chủ trương chung để phân loại chính quyền, phân hóa chính sách thì mới công bằng. Ví dụ các tỉnh như Bắc Kạn, Tây Ninh, Hà Giang đưa vào một nhóm và có chính sách phù hợp, từ mô hình tổ chức cho đến tài chính, ngân sách cho đến trọng dụng nhân tài và khuôn khổ về tự chủ chính sách phát triển." - Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết và nhấn mạnh: "Tương tự như vậy, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội có thể có mô hình chung. Chúng ta không cần thiết phải ban hành nghị quyết riêng và những vấn đề đấy cần phải tổng kết nhanh để quy phạm hóa nó thành những chương, mục cụ thể trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây là câu chuyện căn bản lâu dài phải có tổng kết thực tiễn những bài học rút ra qua n hững lần thí điểm để quy định chính thức bằng pháp luật."
Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Trong phiên thảo luận tại hội trường lần trước và sáng nay đã có 19 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Đối với 6 đại biểu đã đăng ký, nhưng do điều kiện thời gian chưa phát biểu được, đề nghị gửi ý kiến bằng văn bản cho Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp và các cơ quan sẽ nghiên cứu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị quyết này. Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao việc ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Tán thành với tên gọi, phạm vi và nội dung của dự thảo nghị quyết như đề nghị của Chính phủ và báo cáo thẩm tra.
Về các vấn đề cụ thể, qua thảo luận, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào một số nội dung. Về tên gọi của dự thảo nghị quyết, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành là Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh mà không thực hiện thí điểm. Lý do, đồng chí Bộ trưởng và các vị đại biểu Quốc hội đã nêu rất rõ. Nhưng ở đây, có 3 căn cứ rất cơ bản. Một là, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã làm cơ sở cho việc này. Thứ hai là, TP Hồ Chí Minh trước đây đã thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 26 của Quốc hội khóa XII, làm 6 năm và đã đánh giá là có kết quả tốt. Thứ ba, về chủ trương của Đảng thì chúng ta cũng nói rằng không mở rộng thí điểm mô hình, tổ chức. Nghị quyết 18 của Trung ương cũng nói việc tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị của chúng ta. Chính vì vậy, đại biểu Quốc hội tán thành rất cao về việc ban hành nghị quyết này đối với TP Hồ Chí Minh là một loại đô thị đặc biệt.
Về trình tự, thủ tục, các vị đại biểu Quốc hội cũng đồng ý với đề nghị của Chính phủ là theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua dự thảo nghị quyết này tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh. Các vị đại biểu Quốc hội đồng ý về cơ bản với các nội dung của dự thảo nghị quyết, đại biểu Quốc hội cũng đồng ý tăng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, như đề nghị của các vị đại biểu là khoảng 19 người thay cho 16 người hiện nay.
Có ý kiến nói rằng, căn cứ pháp lý nào để dự thảo nghị quyết quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận? Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, chính nghị quyết này của Quốc hội là căn cứ pháp lý để chúng ta tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, bằng Nghị quyết này Quốc hội quy định luôn. Đây là cơ sở pháp lý để chúng ta làm việc này và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận là rất cần thiết trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận và tăng cường kiểm soát quyền lực.
Về những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của Hội đồng nhân dân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nói là cần nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến đề xuất của đại biểu Quốc hội, như ý kiến của đại biểu đề xuất 5 giải pháp, một số quy định để đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân nữa. Quốc hội sẽ ghi nhận và sẽ phối hợp với các cơ quan chỉ đạo tiếp thu ý kiến này.
Về tên gọi, cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường, đa số ý kiến có thể nói tán thành với tên gọi Ủy ban nhân dân quận, phường như đề xuất của Chính phủ. Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu cho rằng nên bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố thuộc thành phố như dự thảo và không làm thí điểm, không thành lập Hội đồng nhân dân ở phường, ở thành phố thuộc thành phố này. Về hiệu lực ban hành Nghị quyết, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ là từ 01/01/2021 và triển khai thực hiện từ 01/7/2021./