Các địa phương miền Trung khẩn trương ứng phó bão Noru

Quang Hải - Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão mạnh Noru, các địa phương miền Trung đang khẩn trương triển khai những phương án ứng phó.

Đà Nẵng phòng chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”

Tại Đà Nẵng ngày 25/9, ngư dân đồng loạt đưa tàu thuyền đến các điểm trú ẩn an toàn. Theo ghi nhận dọc tuyến đường Hoàng Sa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), hầu hết tàu thuyền đã ngừng hoạt động. Nhiều ngư dân chủ động đưa phương tiện, máy móc lên bờ đến nơi trú tránh an toàn.

Ngư dân Đà Nẵng thuê xe cẩu đưa thuyền vào bờ trú ẩn an toàn.
Ngư dân Đà Nẵng thuê xe cẩu đưa thuyền vào bờ trú ẩn an toàn.

Nhằm tránh bị động như những lần trước, hôm nay, tranh thủ trời còn nắng ráo, ngư dân Trần Nên (trú phường Thọ Quang) thuê xe cẩu vận chuyển chiếc thuyền thúng lên bờ. Ông Nên cho biết: “Mỗi lần thuê xe cẩu đưa thuyền thúng lên bờ mất khoảng 400 nghìn đồng, còn thuyền thì mất 800 nghìn đồng. Hôm nay tôi chủ động đưa phương tiện lên sớm chứ lo đến cận ngày bão đổ bộ rất khó thuê xe cẩu” - ông Nên cho hay.

Ghi nhận dọc cuối kênh Phú Lộc (quận Thanh Khê), nhiều ngư dân cũng đã chủ động neo buộc thuyền thúng vào vị trí an toàn để phòng tránh thiệt hại trong trường hợp bão đổ bộ.

Trước đó, tại cuộc họp ứng phó bão Noru vào tối 24/9, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn yêu cầu các địa phương sẵn sàng phòng chống bão Noru theo phương châm “4 tại chỗ”. Theo đó, sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu được quy hoạch, di dời tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn (thứ hai phải sang) kiểm tra phương án trú tránh của tàu thuyền.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn (thứ hai phải sang) kiểm tra phương án trú tránh của tàu thuyền.

Trong chiều 24/9 và sáng 25/9, Phó Chủ tịch TP Trần Phước Sơn đã đi kiểm tra phương án phòng chống bão, đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu dân cư quận Sơn Trà; kiểm tra phương án trú tránh của tàu thuyền.

Ngày 25/9, UBND TP Đà Nẵng ban hành công điện về việc ứng phó với bão Noru. Theo đó, Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, khẩn trương chuẩn bị để phòng, chống và sẵn sàng khi bão đổ bộ.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong 24 giờ tới, bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25km, đi vào Biển Đông; dự kiến sáng 28/9, bão đổ bộ vào trên đất liền, khu vực từ tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi gây gió mạnh, mực nước biển và sóng biển dâng cao.

Đây là cơn bão mạnh, di chuyển rất nhanh, có diễn biến phức tạp và khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến TP Đà Nẵng. Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến của bão, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng.

Ngư dân Đà Nẵng đưa thuyền thúng vào bờ trú ẩn.
Ngư dân Đà Nẵng đưa thuyền thúng vào bờ trú ẩn.

UBND quận, huyện, đặc biệt các quận ven biển tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán người dân trong thiên tai, nhất là tại khu vực trũng, thấp, vùng ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhà cửa không kiên cố…

Lực lượng của địa phương phối hợp với lực lượng quân đội, công an hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn; sẵn sàng triển khai lực lương, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để tổ chức phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết. Khuyến cáo người dân thu hoạch sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cùng ngày, Sở GTVT TP Đà Nẵng có công văn yêu cầu các phòng, đơn vị khẩn trương triển khai rà soát, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Thừa Thiên Huế còn 17 phương tiện và 156 lao động biển chưa vào bờ

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác kêu gọi tàu thuyền vẫn đang được triển khai, hiện còn 17 phương tiện với 156 lao động hoạt động thủy sản trên biển chưa vào được bờ.

Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá.

Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến 9 giờ ngày 25/9 toàn tỉnh hiện còn 17 phương tiện/156 lao động hoạt động thuỷ sản trên biển. Dự kiến sáng 26/9, số phương tiện và lao động này sẽ vào bờ tránh trú an toàn.

Lên kịch bản di dời, sơ tán

Trước nguy cơ ảnh hưởng của cơn bão Noru, tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã có phương án huy động vật tư, phương tiện, tổ chức sơ tán dân, đảm bảo  an toàn khi có thiên tai xảy ra.

Cụ thể, UBND các huyện, thị xã và TP Huế rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn.
Trong đó, di dời để đối phó với nước dâng do bão, lũ lụt: 26.255 hộ/99424 khẩu; di dời để đối phó với bão: 23.762hộ/ 84.930 khẩu; di dời để đối phó với lũ lụt: 17.712 hộ/65.231 khẩu; di dời để đối phó với lũ quét, sạt lở đất: 7.087 hộ/ 26.528khẩu.

Tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã lên kịch bản di dời, sơ tán người dân khi xảy ra mưa lũ, bão.
Tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã lên kịch bản di dời, sơ tán người dân khi xảy ra mưa lũ, bão.

Tại Quảng Trị, căn cứ vào đặc điểm địa hình, diễn biến bão và dự báo hoàn lưu gây mưa lũ áp dụng phương án ứng phó khi bão, bão mạnh đổ bộ (cấp độ 3 và cấp độ 4), địa bàn tỉnh Quảng Trị được chia thành 5 vùng trọng tâm sau: Vùng trực tiếp bão, nước biển dâng thuộc các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; Vùng ngập sâu ở trên các lưu vực sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải, sông Hiếu, Sê Pôn; Vùng lũ quét ở Hướng Hoá, ĐaKrông, gò đồi ở Cam Lộ; Vùng sụt lún, sạt lỡ đất ở Cam Lộ, ĐaKrông, Hướng Hoá; Vùng ngập cục bộ ở Hướng Hoá, ĐaKrông, Cam Lộ.

Theo phương án, các vùng này tiến hành sơ tán dân tránh trú từ nhà tạm không đảm bảo phòng chống thiên tai đến các nhà kiên cố như: nhà dân cao tầng kiên cố, trường học, trụ sở cơ quan, trụ sở UBND, trạm Y tế, Đồn Biên phòng, nhà cộng đồng.

Đối với kịch bản bão cấp độ 3, sẽ tiến hành di dời, sơ tán tránh bão 4 huyện ven biển (Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng) và huyện đảo Cồn Cỏ là 8.980 hộ với 27.966 nhân khẩu; trường hợp cấp độ 4, sơ tán tránh bão toàn tỉnh với số lượng người dự kiến là 29.169 hộ với 100.768 nhân khẩu.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng họp khẩn triển khai các phương án ứng phó với bão Noru chiều ngày 25/9.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng họp khẩn triển khai các phương án ứng phó với bão Noru chiều ngày 25/9.

Đối với kịch bản sơ tán, di dời dân tránh lũ trên báo động 3 trên toàn tỉnh là 14.341 hộ với 53.005 nhân khẩu; số lượng người dự kiến cần sơ tán tránh ngập lũ trên báo động 3 + 1m trên toàn tỉnh là 20.718 hộ với 73.156 nhân khẩu và số lượng người dự kiến cần sơ tán tránh ngập lũ trên lũ lịch sử gây mưa lớn trên toàn tỉnh là 30.113 hộ với 109.254 nhân khẩu.

Đồng thời, đối với vùng địa hình tự nhiên có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai, trong đó kịch bản sơ tán, di dời dân vùng xảy ra lũ ống, lũ quét là 2.243 hộ/8.921 nhân khẩu tại 30 xã thuộc 5 huyện (Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ); kịch bản sơ tán, di dời dân vùng xảy ra sạt lở đất: là 1.447 hộ/6.831 nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện (Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh và Vĩnh Linh).

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã ban hành  công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ. Đồng thời, chỉ đạo Nhân dân dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày để chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến bão, mưa lũ kéo dài.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Sở Công Thương có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng: 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Ngoài ra các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra...