Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các địa phương vào cuộc xử lý nhà xưởng "nhảy dù" ra bờ sông

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Báo Kinh tế & Đô thị đăng tải bài viết “Có giải pháp ngăn chặn tình trạng nhà xưởng "nhảy dù" ra bờ sông”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã có phản hồi kết quả kiểm tra, xử lý nội dung báo nêu.

Hình ảnh những khu nhà xưởng mọc lên ngay sát bờ sông là điểu không hiếm gặp.
Hình ảnh những khu nhà xưởng mọc lên ngay sát bờ sông là điểu không hiếm gặp.

Sở NN&PTNT vừa có Văn bản số 2834/SNN-TLPCTT ngày 9/9/2024 gửi Báo Kinh tế & Đô thị về việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh các vấn đề, vụ việc bức xúc liên quan đến TP.

Trong văn bản trên, Sở NN&PTNT cho biết, cơ quan này nhận được Văn bản số 2735/UBND-TTĐT ngày 19/8 2024 của UBND TP Hà Nội về việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh các vấn đề, vụ việc bức xúc liên quan đến TP; trong đó có thông tin đề nghị cơ quan của TP trả lời khi liên quan đến lĩnh vực của ngành, cụ thể "Có giải pháp ngăn chặn tình trạng nhà xưởng "nhảy dù" ra bờ sông.

Vi phạm diễn biến phức tạp

Trên cơ sở báo cáo của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tại Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, theo phản ánh của Báo Kinh tế & Đô thị, những công trình "nhảy dù" vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, trật tự xây dựng, để điều, thủy lợi mọc lên san sát, lấn chiếm ra tận lòng sông đang dần trở thành nỗi ám ảnh với sông Nhuệ, sông Đáy và nhiều con sông khác trên địa bàn TP, hành lang bảo vệ sông bị thu hẹp, khả năng thoát lũ của sông bị giảm sút, tiềm ẩn nguy cơ gây ngập lụt cho các khu vực hạ lưu.

Qua theo dõi, tình hình vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, trật tự xây dựng, đê điều, thủy lợi tại khu vực bãi sông, lòng sông đang diễn biến phức tạp và đã được các cấp, các ngành, dư luận và báo chí quan tâm phản ánh; cá biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài đã được Bộ NN&PTNT, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (nay là Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và UBND TP chỉ đạo xử lý.

Về công tác đôn đốc kiểm tra, xử lý đối với tình trạng xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn TP, Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay, trước thực trạng nêu trên, hàng tháng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội đều tổng hợp số liệu, tình hình vi phạm pháp luật về đề điều trên địa bàn TP, đồng thời đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường ven đê phối hợp kiểm tra, xử lý, cũng như tăng cường công tác quản lý đê điều, bãi sông đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai.

UBND TP cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm về lĩnh vực đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tại Hà Nội thường xuyên chỉ đạo các Hạt Quản lý đê tăng cường bám sát địa bàn, chủ động, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện, thiết lập hồ sơ và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; ban hành, tham mưu Sở NN&PTNT ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các công ty thủy lợi và địa phương tăng cường công tác xử lý vì phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Các công trình, nhà xưởng lấn sông đe dọa trực tiếp đến dòng chảy các con sông.
Các công trình, nhà xưởng lấn sông đe dọa trực tiếp đến dòng chảy các con sông.

Các địa phương cùng vào cuộc

Để đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ của các tuyến sông, tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, trật tự xây dựng đê điều tại khu vực bãi sông, ven đê, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường ven đê và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung quản lý chặt chẽ phạm vi bảo vệ đê, khu vực bãi sông Đáy đảm bảo tuần thủ đúng quy định tại Khoản 5, khoản 7, khoản 10 Điều 7, Điều 26, Điều 27, Điều 29 Luật Đê điều; tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều…

Tổ chức kiểm tra, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép, không phép, sai phép (đặc biệt là tình trạng xây dựng công trình, nhà xưởng lấn chiếm bờ sông gây bức xúc dư luận). Đồng thời rà soát, kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với các khu vực diện tích đất bãi sông, ven đê sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.

Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường ven đê thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các Hạt Quản lý đê thường xuyên kiểm tra, bám sát địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện, thiết lập hồ sơ vi phạm (nếu có), và chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để xử phạt theo đúng quy định của pháp luật đồng thời có biện pháp ngăn chặn không để vi phạm phát triển.

Thực hiện nghiêm túc quy định tại Quyết định số 37/2023/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND TP; phối hợp với các công ty theo trình tự nghiệp vụ xác định hành vi vi phạm hành chính phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn TP Hà Nội; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai và các văn bản pháp luật có liên quan khác tới các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tại đến mọi người dân hiểu và chấp hành; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục cung cấp thông tin, cấp phép trước khi có các hoạt động liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định.

Chịu trách nhiệm trước UBND TP về tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, lấn chiếm bãi sông, lần chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép, không phép, sai phép mà không được xử lý theo quy định.

 

Đối với các công ty thủy lợi, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị phân công cán bộ, người lao động thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, đảm bảo không để xảy ra tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi diễn ra ngày càng phức tạp ảnh hưởng đến an toàn và năng lực công trình thủy lợi; chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn được giao quản lý mà không có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, tiến hành xác minh lập biên bản; kiến nghị với chính quyền địa phương xử lý theo quy định; xây dựng phương án bảo vệ công trình thủy lợi và trình phê duyệt theo quy định phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện phương án; phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác phòng ngừa, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về thủy lợi theo quy định.