Việc xây dựng trái phép không chỉ xâm hại đến tài nguyên đất đai, phá vỡ quy hoạch đô thị mà còn tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp.
Hiện trạng đáng báo động
Đi trên Đại lộ Thăng Long, đến khu vực giao cắt với sông Nhuệ, thuộc địa phận phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội phóng mắt nhìn dọc bờ sông có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt công trình, nhà xưởng được xây lấn hẳn ra phía ngoài bờ sông.
Tình trạng nhà “nhảy dù” như thế này từng là điều nhức nhối hàng chục năm trước của sông Tô Lịch và chỉ chấm dứt khi con sông này được kè bê tông kín mít cả đôi bờ.
Đến nay, những công trình “nhảy dù” lại đang dần trở thành nỗi ám ảnh với sông Nhuệ, sông Đáy và nhiều con sông khác trên địa bàn TP Hà Nội chứ không chỉ riêng ở phường Phú Đô. Đi dọc những con sông này không khó để bắt gặp hình ảnh những nhà xưởng, công trình xây dựng mọc lên san sát, lấn chiếm ra tận lòng sông.
Việc làm này diễn ra trong một thời gian dài, ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp. Hậu quả của việc lấn chiếm sông là vô cùng nghiêm trọng. Hành lang bảo vệ sông bị thu hẹp, khả năng thoát lũ của sông giảm sút, gây ra nguy cơ ngập lụt cho các khu vực hạ lưu. Đồng thời, chất thải từ các nhà xưởng xả trực tiếp ra sông gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân và hệ sinh thái thủy sinh.
Việc lấn chiếm đất ven sông không chỉ ảnh hưởng đến môi trường và hệ thống thoát lũ mà còn có tác động kinh tế tiêu cực. Các nhà xưởng, công trình xây dựng trái phép thường không tuân thủ quy hoạch, gây ra tình trạng chồng chéo, lộn xộn trong quản lý đất đai.
Điều này dẫn đến việc sử dụng tài nguyên đất không hiệu quả, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của các DN hợp pháp. Ngoài ra, việc lấn chiếm đất ven sông còn làm giảm giá trị bất động sản xung quanh do môi trường sống bị ảnh hưởng.
Các khu vực bị lấn chiếm thường trở nên ô nhiễm, mất mỹ quan, gây mất lòng tin cho các nhà đầu tư. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của khu vực mà còn tác động đến sự phát triển bền vững của địa phương. Trách nhiệm của người dân cũng là một yếu tố quan trọng. Nhiều người dân do thiếu hiểu biết hoặc vì lợi ích cá nhân đã tham gia vào việc lấn chiếm đất ven sông, xây dựng công trình trái phép. Việc này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng.
Cần giải pháp toàn diện
Để giải quyết tình trạng này, cần có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, trước hết cần ngăn chặn vi phạm mới, khoanh vùng vi phạm đang tồn tại để xử lý tháo dỡ từng bước. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân để bảo đảm việc thực thi pháp luật được nghiêm túc và hiệu quả.
Về dài hạn, cần tăng chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm, quy trách nhiệm chính quyền địa phương, người đứng đầu địa phương để xảy ra vi phạm. Việc này không chỉ giúp răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm mà còn tạo ra sự thay đổi trong nhận thức và hành động của người dân. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tuân thủ quy định, xây dựng công trình đúng quy hoạch, không lấn chiếm đất ven sông.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ hành lang thoát lũ, bảo vệ môi trường sống. Các cơ quan chức năng cần phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, truyền thông để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục, nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về những hậu quả nghiêm trọng của việc lấn chiếm đất ven sông, xây dựng công trình trái phép.
Bên cạnh đó, cần có các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ việc giám sát, quản lý các công trình xây dựng. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại, hệ thống giám sát thông minh sẽ giúp phát hiện sớm các vi phạm, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả hơn. Đồng thời, cần có các nghiên cứu, đánh giá khoa học về ảnh hưởng của việc lấn chiếm đất ven sông đến hệ thống thoát lũ, môi trường, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp.
Các chuyên gia nhận định, việc lấn chiếm đất ven sông không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống thoát lũ mà còn gây ra ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái sông. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, hành vi lấn chiếm chiếm sông để xây dựng công trình, nhà xưởng cũng sẽ làm phá vỡ quy hoạch đô thị, gây mất mỹ quan đô thị. Các công trình xây dựng trái phép thường không bảo đảm các tiêu chuẩn về xây dựng, gây mất an toàn cho người dân. Để giải quyết vấn đề này, cần có một quy hoạch đô thị đồng bộ, chặt chẽ, trong đó ưu tiên bảo vệ các nguồn nước tự nhiên.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tình trạng mưa lũ, ngập lụt gia tăng, việc bảo vệ hành lang thoát lũ, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất ven sông càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân mà còn bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương.
Chuyên gia Phạm Hồng Giang - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, các công trình nhà ở, nhà xưởng nằm ở ven sông sẽ rất nguy hiểm. Bởi khi mùa mưa đến, ở các đoạn sông xung yếu có thể bị sạt lở và công trình nhà ở có thể bị nước cuốn đi gây thiệt hại tài sản, thậm chí là về con người.
Khi nước sông dâng cao vào mùa mưa lũ có thể gây ngập lụt, ảnh hưởng tới đời sống của những hộ dân sống ở ven sông. Chuyên gia này nhấn mạnh, các công trình không phép, nằm trong hành lang thoát lũ, có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn phải yêu cầu giải tỏa để bảo đảm an toàn.
Nhìn nhận vấn đề qua góc nhìn pháp lý, Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Đê điều 2006 quy định không cho phép xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.
“Hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống, lũ, lụt, bão công trình phụ trợ và công trình đặc biệt sẽ bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng” - luật sư Bùi Đình Ứng nói.
Chuyên gia pháp lý này cũng khẳng định, để xảy ra tình trạng công trình, nhà ở “nhảy dù” ra sông, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chính quyền địa phương: “Nếu địa phương nào có công trình vi phạm, xây lấn sông, xây trên hành lang thoát lũ của sông thì chính quyền địa phương, người đứng đầu chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm cao nhất”.