Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các DNNN: Dừng mua bất động sản, xây trụ sở mới...

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Sẽ cắt giảm mạnh hoặc dừng việc mua, xây dựng trụ sở mới, đất đai, bất động sản, phương tiện, thiết bị phục vụ gián tiếp cho hoạt động SXKD của các DNNN.

KTĐT - “Sẽ cắt giảm mạnh hoặc dừng việc mua, xây dựng trụ sở mới, đất đai, bất động sản, phương tiện, thiết bị phục vụ gián tiếp cho hoạt động SXKD của các DNNN.

“Năm 2010 phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 7%”. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010 của ngành tài chính vào ngày 30-11.

Nợ quốc gia trong mức an toàn

Theo Phó Thủ tướng, năm 2009 mức tăng trưởng đạt khoảng 5,2%. Quý sau cao hơn quý trước nên kinh tế có bước chuyển tích cực, đáng mừng.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Năm tới, nhiệm vụ số một là lấy lại đà tăng trưởng kinh tế đạt mức 7%-8% vì là năm rất quan trọng, có nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng của đất nước. Do đó, nhiệm vụ của ngành tài chính rất nặng nề. Riêng nhiệm vụ thu ngân sách năm tới phải vượt 5%-10%. Tỉnh nào cũng phải hoàn thành thu ngân sách”.

Theo Phó Thủ tướng, từ cuối năm ngoái đến đầu năm 2009, nền kinh tế nước ta gặp khó khăn. Tuy nhiên, sau tháng Giêng chúng ta đã ngăn chặn thành công đà suy giảm. Kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội đảm bảo. Tăng trưởng thị trường nội địa xấp xỉ 20%. Nợ quốc gia trên 30% (trong đó có hơn 90% là nợ dài hạn và nợ ODA). Đây là con số ở mức an toàn. Nhờ tác động của nhiều biện pháp kinh tế nên thu ngân sách nhà nước vẫn vượt dự toán.

Phó Thủ tướng nhận định: Nền kinh tế Mỹ, Nhật, EU vẫn chưa thực sự khả quan. Tình hình giá cả, vật tư nguyên liệu trên thế giới còn biến động phức tạp nên nhiệm vụ đạt mức tăng trưởng nêu trên không đơn giản.

Năm tới, chi từ ngân sách sẽ ít đi, ngành tài chính phải tích cực cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, công ty con thuộc các tổng công ty 90, 91... để huy động nguồn lực từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Ngành cần đổi mới chính sách, cải cách hành chính nhằm tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia sản xuất kinh doanh, xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư vào trường học, bệnh viện, các loại hình dịch vụ khác...

Siết chặt các công ty nhà nước

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, định hướng năm tới là sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo đó, nhà nước chỉ giữ lại những tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước lớn. Các doanh nghiệp còn lại phải thực hiện chuyển đổi sở hữu (cổ phần hóa) hoặc các hình thức sắp xếp khác thích hợp, kể cả giải thể, phá sản các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, mất vốn nhà nước.

“Sẽ cắt giảm mạnh hoặc dừng việc mua, xây dựng trụ sở mới, đất đai, bất động sản, phương tiện, thiết bị phục vụ gián tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Bộ Tài chính sẽ chấn chỉnh những trường hợp sử dụng vốn không hiệu quả” - ông Nghiệp nói.

Để đảm bảo nguồn thu, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đề xuất: Nhà nước nên phát động cuộc vận động trên toàn quốc là bán hàng phải lấy hóa đơn. Bằng cách này chúng ta sẽ không thất thu thuế, chống hàng giả, hàng nhái.

Nên để địa phương thu hồi đất công dùng sai mục đích

“Về việc sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước nên để UBND cấp tỉnh chủ động thu hồi đất công ngay sau khi phát hiện thấy sai phạm. UBND cấp tỉnh ra quyết định thu hồi sẽ rút ngắn thời gian xử lý. Vì theo quy định hiện hành: Sau khi thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm, địa phương phải chờ Bộ Tài chính ra quyết định mới được thu hồi. Điều này vừa chậm vừa làm lãng phí tài sản nhà nước”.(Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng).