Câu chuyện về việc đổi tên “Trạm thu phí” thành “Trạm thu giá” của Bộ GTVT thời gian qua thực sự làm nóng dư luận. Câu chuyện đã chính thức kết thúc khi đích thân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên tiếng yêu cầu trả lại tên “Trạm thu phí” cho các trạm BOT như trước đây. Tuy nhiên, câu chuyện thu giá – thu phí vô hình chung đã khiến dư luận quên đi một loạt “sạn” liên quan đến các dự án BOT trong nhiều năm qua mà đến tận giờ vẫn chưa có lời giải.
Bài toán BOT Cai Lậy vẫn chưa có lời giảiMột trong những điểm nóng nhất và cũng là điểm khởi phát cho những vấn đề của các trạm BOT chính là Trạm BOT Cai Lậy. Khi phát hiện ra sai phạm tại dự án này, dư luận đã rộ lên làn sóng phản ứng quyết liệt. Tình trạng căng thẳng đến mức, trong cuộc họp Chính phủ đầu tháng 12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tạm dừng hoạt động của trạm thu phí này trong thời gian 1 - 2 tháng để Bộ GTVT và các cơ quan liên quan tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá và đưa ra phương án xử lý trình Chính phủ xem xét.
|
Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Hùng |
Sau nhiều lần trì hoãn và xin gia hạn, đến tận đầu tháng 4/2018, Bộ GTVT mới chính thức trình Chính phủ đề xuất 5 phương án giải quyết vấn đề tại BOT Cai Lậy. Trong đó, Bộ đã chủ động chọn ưu tiên phương án vẫn giữ lại trạm như hiện tại và thực hiện thu phí song song với việc mở rộng đối tượng, phạm vi và mức giảm giá vé cho các phương tiện qua trạm. Điều đáng lưu ý là trong số 4 phương án còn lại mà Bộ GTVT đề xuất, phương án nào cũng bộc lộ hạn chế, khó khả thi và theo hướng đẩy trách nhiệm xử lý cuộc “khủng hoảng BOT” tại Cai Lậy về cho Nhà nước. Trong khi đó, phương án mà Bộ GTVT cho rằng tối ưu nhất là vẫn giữ nguyên trạm, cho tiếp tục thu phí và giảm giá vé để kéo giảm phản ứng của người dân trước đó đã được áp dụng rất nhiều tại các dự án BOT khác. Tuy nhiên, không ít nơi vẫn vấp phải phản ứng quyết liệt của người dân. Hiện nay, sau gần 2 tháng kể từ khi Bộ GTVT trình 5 phương án giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy, vẫn chưa có bất cứ thông tin nào từ Bộ về việc sẽ chọn phương án nào và khi nào bắt đầu triển khai.
"Những tranh cãi liên quan đến đề xuất của Bộ GTVT đổi “Trạm thu phí” thành “Trạm thu giá” trong thời gian qua thực chất là câu chuyện cắt nghĩa câu từ. Đó không phải là điều đại đa số người dân quan tâm. Điều người dân quan tâm nhất chính là việc minh bạch những thông tin về các dự án BOT và việc xử lý những bất cập của BOT trong thời gian qua như vị trí đặt trạm, giá vé qua trạm... Đó mới là điều quan trọng nhất và thiết thực với người dân." - Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy |
Tiếp tục đề xuất vô lýTrong khi hàng loạt vấn đề liên quan đến các dự án BOT giao thông dai dẳng trong suốt nhiều năm qua vẫn chưa được Bộ GTVT giải quyết thì đơn vị này tiếp tục có những đề xuất bất ngờ. Đáng chú ý nhất là đề xuất bỏ quy định các trạm BOT cách nhau tối thiểu 70km được Bộ GTVT đưa ra trong dự thảo Thông tư 49 (lần 2) về quy định xây dựng tổ chức và hoạt động của trạm thu giá sử dụng đường bộ. Theo Bộ GTVT, đơn vị này cho rằng quy định hai trạm BOT cách nhau tối thiểu 70km là không cần thiết khi thu phí kín và đề xuất này được xây dựng trên tinh thần tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội vận tải. Bộ GTVT đưa ra ý kiến của UBND tỉnh Bình Phước cho rằng quy định khoảng cách 70km là gây khó khăn cho nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng vì ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian thu hoàn vốn của dự án. Bên cạnh đó, theo Bộ GTVT, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định các dự án BOT đường bộ phải là tuyến mới và tổng mức đầu tư cho 1 tuyến đường mới dài tối thiểu 70km là rất lớn, lãi suất biến động, thời gian thi công kéo dài, do đó các nhà đầu tư sẽ không tham gia. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng góp ý, quy định khoảng cách 70km chỉ phù hợp với các dự án áp dụng phương pháp thu hở (thu phí theo lượt) được triển khai từ trước, không phù hợp với các dự án thu kín (thu phí theo km) đang được khuyến khích triển khai tại nhiều tuyến đường cao tốc như hiện nay.
Đánh giá về đề xuất bất ngờ này của Bộ GTVT, Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, bỏ quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm BOT là 70km mà Bộ GTVT đưa ra là kiến nghị không hợp lý và phản cảm. Nhất là trong bối cảnh những bức xúc của dư luận trong thời gian qua về các dự án BOT chưa được giải quyết triệt để. Mà một trong những vấn đề khiến dư luận bức xúc nhất chính là rất nhiều trạm BOT đặt sai vị trí và đặt ở vị trí quá gần nhau. Ông Bùi Danh Liên cho rằng, thay vì cố gắng thay đổi Dự thảo Thông tư 49 (lần 2), Bộ GTVT nên tập trung nghiên cứu các phương án hợp lý để khi đưa ra áp dụng sẽ tạo được sự đồng thuận với người dân.