Các hạn chế chip mới nhất của Mỹ có cản được Trung Quốc?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những hạn chế kiểm soát chip của Washington đối với Bắc Kinh sẽ khiến đôi bên cùng chịu thiệt.

Ngày 18/10, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới nhằm hạn chế việc công ty Nvidia và một số công ty công nghệ bán chip trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc, Iran, Nga và một số quốc gia khác.

Theo những quy định mới, các công ty muốn chuyển giao chip tiên tiến cho khách hàng ở Trung Quốc và một số thị trường khác như Iran, Nga buộc phải xin giấy phép từ Chính phủ Mỹ - một động thái quan trọng nhằm ngăn cản Bắc Kinh đạt được những tham vọng về chip.

Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh hạn chế xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia
Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh hạn chế xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia

Các biện pháp của Washington dự kiến có hiệu lực từ 18/11. Tuy nhiên, với việc Nvidia đang có sự hiện diện sâu rộng tại Trung Quốc, nền kinh tế số một thế giới đã đẩy nhanh thời gian áp dụng lên 23/10.

Trước đó, Nvidia cũng đã phải hạ cấp các sản phẩm chip bán dẫn cho thị trường Trung Quốc để phù hợp với những quy định của Mỹ, chẳng hạn ông lớn này chỉ được bán những dòng chip với công nghệ hạn chế như A800 và H800, thay vì A100 và H100 tại thị trường quan trọng bậc nhất của mình.

Những quy định này đã đặt ra nhiều thách thức đối với ngành sản xuất chip của Trung Quốc. Cụ thể, chúng khiến nền kinh tế thứ hai thế giới phải tốn nhiều chi phí hơn và thời gian cho việc sản xuất chip.

Theo ước tính của Bernstein Research, chi phí để phát triển máy chủ AI sẽ cao hơn tới 50% do các công ty không thế sử dụng các nguồn chip tiên tiến mà thay bằng chip có chất lượng kém hơn. Thêm vào đó, việc bị đưa vào danh sách đen của Mỹ sẽ khiến các công ty khởi nghiệp chip AI của Trung Quốc như Biren Technology và Moore Threads gặp khó trong hợp tác với các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là TSMC, Samsung, Global Foundries và Intel.

Mark Li, chuyên gia của Bernstein Research, cho biết mặc dù các nhà phát triển chip có thể tìm kiếm các đối tác trong nước trước áp lực của Mỹ, thời gian để thực hiện điều này có thể phải mất tới hai năm.

Nhà phân tích Gary Yu của Morgan Stanley lại cho rằng việc những công ty lớn như Baidu và Alibaba đã dự trữ một lượng chip đáng kể từ khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được áp dụng vào năm ngoái. Việc này sẽ giúp họ hạn chế được những ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát mới nhất của Mỹ và hướng đến sử dụng nhiều chip tự sản xuất hơn.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho biết các công ty nhỏ sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ các biện pháp hạn chế của Washington do không đủ nguồn lực tài chính để liên tục mua nguồn chip thay thế hay tự sản xuất chip.

Không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc, những biện pháp hạn chế này cũng đang gây khó khăn cho các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Mỹ. Các công ty như: Applied Materials, Lam Research và KLA phải mất đến 6 tháng để tìm ra cách thích ứng với các hạn chế mà Washington đưa ra vào năm 2022. Doanh thu từ Trung Quốc của những công ty này đến giữa năm 2023 đã giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó, Nvidia cho biết mặc dù họ có thể kiểm soát những tác động ngắn hạn của các biện pháp này, nhưng tác động dài hạn thì cần phải xem xét lại.

Trả lời Nikkei Asia, Rob York, giám đốc các vấn đề khu vực tại Diễn đàn Thái Bình Dương, cho biết các nhà sản xuất Mỹ khó có thể quay lưng với thị trường Trung Quốc trong thời gian sớm. Tuy nhiên, họ sẽ nhận ra rằng Bắc Kinh đang cố gắng đảm bảo việc tự cung tự cấp đối với chip bán dẫn cũng như phải có kế hoạch tìm đến các thị trường thay thế khác.

Trước những hạn chế của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc đã phản đối kịch liệt khi cho rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các công ty bán dẫn của chính Washington và các quốc gia khác. Không những vậy, nền kinh tế số hai thế giới cũng đã áp dụng các biện pháp trả đũa như: hạn chế nhà sản xuất chip Micron của Mỹ tham gia đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, hay áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với gali và gecmani – nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất chip và than chì.