Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các mạng di động không đề cập đến giảm cước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đã giữa tháng 2, chưa có doanh nghiệp nào đề cập chuyện giảm giá cước. Một lãnh đạo cấp cao của Viettel lý giải, sau bao năm chỉ biết có giảm chứ không tăng, cước di động năm 2011 rất khó hạ tiếp.

KTĐT - Đã giữa tháng 2, chưa có doanh nghiệp nào đề cập chuyện giảm giá cước. Một lãnh đạo cấp cao của Viettel lý giải, sau bao năm chỉ biết có giảm chứ không tăng, cước di động năm 2011 rất khó hạ tiếp.

Chưa có hãng viễn thông nào đề cập đến giảm cước di động, trong khi cùng thời điểm này những năm trước, doanh nghiệp nào cũng thi nhau trình phương án đại hạ giá dịch vụ.

Những năm trước, tháng 2 là thời điểm các hãng viễn thông bận rộn với cuộc đua giảm giá cước. Cứ hôm nay Viettel đề xuất giảm 15% cước di động thì ngày mai, VinaPhone và MobiFone có công văn xin được hạ tối đa lên tới 20% (tùy từng gói cước).

Thế nhưng tình hình đầu năm nay khá trầm lắng. Đã giữa tháng 2, chưa có doanh nghiệp nào đề cập chuyện giảm giá cước. Một lãnh đạo cấp cao của Viettel lý giải, sau bao năm chỉ biết có giảm chứ không tăng, cước di động năm 2011 rất khó hạ tiếp.

Ông phân tích, hiện nay cước di động bình quân của Việt Nam chỉ còn 1.200-1.500 đồng mỗi phút. Mức này được coi là thấp so với bình quân trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, giống như nhiều ngành, nghề lĩnh vực khác, kinh doanh viễn thông cũng đang chịu áp lực về chi phí đầu vào như tăng lương, giá thuê nhà, thiết bị, tỷ giá...

"Chi phí đầu vào tăng như vậy, giữ được giá cước cơ bản ổn định là may chứ nói gì đến việc giảm. Tất nhiên, chính sách khuyến mãi và ở một số dịch vụ muốn kích cầu tiêu dùng, chúng tôi vẫn xem xét hạ, nhưng mức giảm sẽ không cao", ông này cho biết.

Nguồn tin từ MobiFone cũng nói rằng cước di động của Việt Nam đang tiệm cận giá thành. Do vậy, để đảm bảo lợi nhuận, đóng góp cho ngân sách, doanh nghiệp phải cạnh tranh có chiều sâu chứ không thể tiếp tục lao vào cuộc chiến giảm giá. "Một khi chất lượng không đảm bảo thì giá rẻ cũng sẽ chẳng có ý nghĩa nhiều đối với người tiêu dùng. Tôi cho rằng, năm 2011, cước di động của Việt Nam khó có cơ giảm mạnh", ông này nói.

Theo giới chuyên môn, thị trường viễn thông đang bước vào giai đoạn bão hòa nên cạnh tranh trong thời gian tới sẽ cực kỳ khốc liệt. Người tiêu dùng không chỉ đòi hỏi về chất lượng dịch vụ mà còn cần được hưởng mức cước rẻ hơn.

Trong khi nhà mạng kêu khó việc giảm cước, một chuyên gia viễn thông có kinh nghiệm lại nhận định, năm 2011 sẽ xảy ra cuộc hạ giá cước đối với dịch vụ 3G giữa các mạng di động lớn. Thậm chí, mức cước của dịch vụ này có thể còn thấp hơn cả 2G để kích cầu tiêu dùng.

Trên thực tế, không chỉ 3 đại gia VinaPhone, MobiFone và Viettel mà cả "tiểu gia" EVN Telecom cũng đã bỏ hàng nghìn nghìn tỷ đồng để đầu tư cho mạng 3G. Thế nhưng, mạng 2G hiện vẫn là "nồi cơm" mang lại doanh thu chủ yếu. "Giống như một căn nhà đẹp xây dựng tốn kém nhưng không có người ở, các hãng viễn thông chắc chắn sẽ phải giảm giá cước dịch vụ 3G trong thời gian tới, nếu muốn câu được khách hàng", vị chuyên gia này nhận định.