KTĐT - Lãi suất cơ bản làm sao kích thích kinh tế và chống lạm phát, đó là quan điểm của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ.
Dù đã ký thỏa thuận ổn định thị trường tiền tệ từ nay đến cuối năm nhưng thời gian qua, các ngân hàng vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất.
Bốn ông lớn khởi động
Theo thống kê của Hiệp hội ngân hàng, từ sau cuộc họp ngày 1/9 của Hiệp hội ngân hàng, bốn ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) đã điều chỉnh tăng lãi suất ở kỳ hạn 3 tháng là 7,9 – 8,1 phần trăm/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 8,3 đến 8,5 phần trăm/năm; kỳ hạn 9 tháng từ 8,3 đến 8,7 phần trăm/năm và kỳ hạn 12 tháng 8,6 – 9,0 phần trăm/năm.
Hiện mặt bằng lãi suất của khối ngân hàng cổ phần điều chỉnh mạnh ở các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng, với mức tăng rất lớn, đặc biệt là các kỳ hạn dưới 6 tháng. Một số NHTMCP hiện đang áp dụng mức lãi suất cao nhất ở tất cả các kỳ hạn là NH Miền Tây, NH Hàng Hải, NH Ngoài QD, NH Đại Dương, NH Dầu khí Toàn Cầu...
Ngày 20/10, Ngân hàng Đại Á đã tăng khung lãi suất tiết kiệm VND trung bình 0,5 phần trăm/năm tại tất cả các kỳ hạn từ 1 đến 24 tháng.
Tại NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng từ 20/10, khách gửi tiền sẽ được tặng một hoặc nhiều phiếu cào cộng thưởng lãi suất với mức lãi suất thưởng cao nhất lên tới hai phần trăm số tiền gửi . NH này cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm USD với mức tăng đến 0, 6 phần trăm với kỳ hạn 13 tháng và mức lãi suất cao nhất lên tới 3,7 phần trăm...
Tăng lãi suất chủ yếu do giữ khách
Nhận xét về việc đợt tăng lãi suất vừa qua này, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc VPBank cho rằng: Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định không có áp lực từ lạm phát nên khó có thể cho rằng lãi suất có thể tăng. Lãi suất đầu ra không bị hạn chế, lãi suất cơ bản từ nay đến cuối năm khả năng vẫn giữ nguyên, việc tăng chủ yếu do các ngân hàng nhìn nhau và muốn giữ khách hàng của mình.
Sự trở lại của kỳ hạn lãi suất tuần, theo ông Hưng cũng là điều bình thường bởi vì bản thân tiền gửi dù ngắn hạn cũng giúp cho ngân hàng một khoản vốn ngắn hạn đáng kể nhất là vào thời điểm cuối năm.
Phụ trách nguồn vốn của một NHTM khác cũng cho rằng thỏa thuận của các thành viên trong hiệp hội tất nhiên vẫn chỉ là thỏa thuận. Xu hướng các ngân hàng tăng lãi suất chủ yếu xuất phát từ nhu cầu giữ nguyên khách hàng để ổn định nguồn vốn trung và dài hạn”.
Lãi suất cơ bản làm sao kích thích kinh tế và chống lạm phát, đó là quan điểm của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ. Ngày 21/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Nếu lạm phát năm nay khoảng 7 phần trăm thì việc ngân hàng đưa lãi suất cơ bản từ 14 phần trăm về 7 phần trăm từ tháng 2 đến nay là phù hợp. Tín dụng hiện có nóng hay không, theo Thống đốc Giàu cứ nhìn vào thực tế là có thể hiểu.