Dù không ồn ào như những năm "mùa vàng" trước đây nhưng kết quả kinh doanh hết quý III của nhiều ngân hàng vẫn lãi cao. Lợi nhuận lũy kế 9 tháng qua của Vietinbank đạt 4.128 tỷ đồng, tăng 49% so cùng kỳ năm 2010; Vietcombank 3.308,6 tỷ đồng... Trong quý III, lợi nhuận sau thuế của Techcombank tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lãnh đạo một ngân hàng TMCP, nếu nhìn vào số tuyệt đối về lợi nhuận mà các ngân hàng công bố là vài nghìn tỷ sẽ tưởng các ngân hàng lãi cao. Nhưng nếu so lợi nhuận trên số vốn chủ sở hữu (ROE) thì tỷ lệ trung bình khối ngân hàng chỉ vào khoảng 1,5%.
Lý giải của ngân hàng về lãi "khủng" là vậy. Nhưng bà Nguyễn Thị Quy, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương cho rằng: Việc ngân hàng lãi lớn trong khi doanh nghiệp khốn khổ với lãi vay trên dưới 20% là điều khó chấp nhận. "Ngân hàng Việt Nam dường như chỉ chăm chăm kinh doanh thế nào để ra lãi chứ hoàn toàn không quan tâm đến việc doanh nghiệp sẽ sống ra sao với mức lãi vay cao như vậy. Có cảm giác như họ hoạt động giống một nhà buôn, chủ yếu mua và bán lại vốn hơn là một doanh nghiệp khai thác các dịch vụ ngân hàng trên thị trường"- bà Quy nói.
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhìn nhận, việc lãi suất cho vay quá cao, lên trên 20% thì khó doanh nghiệp nào có thể chịu nổi.
Từ câu chuyện lãi suất cho vay, bà Quy đưa ra bài học về thành công ở Nhật Bản. Tại đây, lãi suất tiền gửi của họ chỉ là 0%, người dân gửi tiền vào ngân hàng như một nơi cất trữ an toàn chứ không vì lãi suất. Bởi vậy, lãi suất cho vay của họ rất thấp.
Chưa chú trọng phát triển dịch vụ
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, từ 2 năm trước, Techcombank đã có chiến lược tăng nguồn thu từ dịch vụ, giảm tỷ trọng nguồn thu từ tín dụng. Năm 2011, khi tình hình thị trường có nhiều biến động, tỷ lệ tín dụng trên huy động vốn tiếp tục được ngân hàng tính toán và cân nhắc nhằm đảm bảo an toàn hoạt động.
Tuy nhiên, số ngân hàng có doanh thu từ khu vực dịch vụ lớn như Techcombank hoàn toàn không nhiều. Hầu hết ngân hàng thương mại vẫn trông chờ chủ yếu vào hoạt động tín dụng. "Các ngân hàng Việt Nam chủ yếu huy động vốn ngắn hạn rồi cho vay ra dài hạn, điều này không đúng quy định và quy luật. Thay vì chú trọng phát triển kênh dịch vụ thì đa số ngân hàng vẫn loay hoay mãi với câu chuyện tín dụng, mua và bán vốn"- bà Quy nhìn nhận.
Việc các ngân hàng ồ ạt thực hiện các chương trình khuyến mại, nếu cộng cả khuyến mại không vượt trần lãi suất thì hoàn toàn không vi phạm. Tuy nhiên, nhìn một cách khác, điều này cũng chứng tỏ các ngân hàng đang bế tắc trong quá trình tăng lượng tiền gửi lên. Bởi vậy, để thu hút được vốn và nâng cao sức cạnh tranh, các ngân hàng cần tìm cách để tăng tính thuận tiện, khác biệt lên. "Ngoài việc tập trung vào tăng lượng tiền gửi, ngân hàng nên chú trọng phát triển các kênh khác như dịch vụ, ngoại hối, kinh doanh trên thị trường tiền tệ…"- T.S Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh gợi ý.