Theo nhiều nguồn tin, các vòng đàm phán kéo dài giữa hơn 170 quốc gia về một thỏa thuận mới nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, được tổ chức tại thành phố Busan (Hàn Quốc) đã chính thức khép lại vào sáng sớm 2/12 (giờ địa phương) mà không đạt được tiến triển nào.
Trong khi nhiều nước ủng hộ các biện pháp hạn chế sản xuất đồ nhựa, thì các cường quốc dầu mỏ lại phản đối, với lập luận rằng thế giới nên nhắm mục tiêu vào vấn đề ô nhiễm nhựa thay vì đồ nhựa nói chung.
Mâu thuẫn về hạn chế đồ nhựa
Sự sụp đổ diễn ra sau một tuần đàm phán kéo dài đến khuya, với sự tham gia của hàng trăm nhà ngoại giao, trong khi các quan chức ngành công nghiệp nhựa và các nhà môi trường đứng bên lề theo dõi từ các hành lang của Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Busan. Kết quả này nhấn mạnh những khó khăn trong việc giảm sử dụng một loại vật liệu phổ biến và là nền tảng cho một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá hàng tỷ USD.
“Chúng ta phải “chuyển hướng” tại cuộc họp tiếp theo”, Erin Silsbe - người đứng đầu phái đoàn Canada, cho biết. “Đã đến lúc chấm dứt ô nhiễm nhựa vì thế giới không thể chờ đợi thêm nữa”.
Việc không thể đạt được thỏa thuận chung tại Busan không phải điều bất ngờ đối với các bên tham gia, dù có khởi đầu tương đối lạc quan. Hơn 50 nước do Na Uy và Rwanda dẫn đầu, cùng các tổ chức môi trường như Greenpeace, đã thúc đẩy một hiệp ước hạn chế sản xuất đồ nhựa, cấm một số hóa chất nhất định khỏi các sản phẩm hàng ngày và đưa ra các biện pháp thực thi hiệp ước này.
Trong khi đó, đại biểu từ những nước như Nga và Ả-Rập Xê-út, cùng các nhóm thương mại như Hội đồng Hóa học Mỹ, thì phản đối việc hạn chế sản xuất đồ nhựa và ủng hộ một hiệp ước mang tính tự nguyện, không ràng buộc và chỉ tập trung vào việc cải thiện công tác quản lý chất thải.
"Nếu bạn có thể ngăn chặn ô nhiễm nhựa, sẽ không có vấn đề gì với việc sản xuất đồ nhựa," đại diện của Ả-rập Xê-út Abdulrahman Al Gwaiz cho biết.
Trong khi đó, nhằm nỗ lực tìm kiếm một lập trường chung tại các cuộc đàm phán, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước tuyên bố ủng hộ mục tiêu rộng hơn là giảm ô nhiễm nhựa, nhưng phản đối việc giới hạn sản xuất bắt buộc. Theo báo cáo năm 2021 của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, nước này bị xếp hạng là quốc gia tạo nhiều rác thải nhựa nhất thế giới, gần gấp đôi Trung Quốc và nhiều hơn toàn bộ các nước thuộc Liên minh Châu Âu gộp lại.
Một nhà đàm phán giấu tên từ châu Phi tiết lộ với báo Washington Post rằng, sự trở lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Donald Trump trong tháng tới cũng được các nhà đàm phán chú ý. Ông cho biết các đại biểu lo ngại rằng Washington sẽ trở nên thù địch hơn với một hiệp ước về ô nhiễm nhựa dưới thời Tổng thống Trump.
Gian nan vấn đề rác thải nhựa
Sự kiện ở Busan là đỉnh điểm của quá trình đàm phán kéo dài 2 năm về vấn đề rác thải nhựa do Liên Hợp Quốc dẫn đầu. Năm 2022, Đại hội Môi trường Liên Hợp Quốc, đại diện cho toàn bộ 193 quốc gia thành viên, tuyên bố sẽ tạo ra một hiệp ước có tính ràng buộc vào năm 2024 để giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa "đang ở mức cao và gia tăng nhanh chóng" trên thế giới.
Mỗi năm, thế giới sản xuất hơn 450 triệu tấn nhựa, chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch, và tạo ra hơn 350 triệu tấn rác thải nhựa, theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thế giới. Khoảng 50% lượng rác thải nhựa được đổ vào các bãi rác, trong khi 19% được đem đốt, và chưa đến 10% được tái chế. Có tới 25% rác thải nhựa bị quản lý sai cách, trong đó một số bị xả thẳng ra sông và biển.
Kết quả đáng thất vọng này xảy ra dù những bên tham dự gần như đồng thuận rằng nếu không có hành động khẩn cấp để đối phó với ô nhiễm nhựa, tình trạng nóng lên toàn cầu có thể sẽ gia tăng. Hầu hết nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch trong một quá trình có thể thải ra nhiều khí độc và làm nóng Trái Đất.
Dù vậy, các quốc gia ở cả hai phía của cuộc tranh luận về vấn đề ô nhiễm nhựa đều bày tỏ hy vọng có thể sớm nối lại các vòng đàm phán trong năm tới, với khởi điểm là bản dự thảo mới nhất của hiệp ước. Một số nhà đàm phán cho rằng việc rút ngắn độ dài dự thảo từ 73 trang lúc khởi đầu xuống còn 22 trang khi kết thúc các vòng đàm phán là một điều tiến bộ.
"Việc họ làm đúng còn quan trọng hơn hoàn thành nhanh chóng," John Hocevar, giám đốc chiến dịch về đại dương của Greenpeace, cho hay.