Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các tập đoàn Hàn Quốc điều trần: Hai thế lực lớn đối mặt nhiều nguy cơ

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc lãnh đạo một số tập đoàn thừa nhận cung cấp ưu đãi cho bà Choi Soon-sil theo yêu cầu từ Văn phòng Tổng thống cho thấy, mọi ngả đường “thoát hiểm” cho bà Park Geun-hye đã bị chặn.

Việc lãnh đạo một số tập đoàn thừa nhận cung cấp ưu đãi cho bà Choi Soon-sil theo yêu cầu từ Văn phòng Tổng thống tại phiên điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc hôm 6/12 cho thấy, mọi ngả đường “thoát hiểm” cho bà Park Geun-hye đã bị chặn, buộc nữ Tổng thống phải đối mặt với phiên bỏ phiếu luận tội vào cuối tuần này.

 Từ trái qua phải lần lượt là lãnh đạo tập đoàn SK, Samsung và Lotte tuyên thệ nói sự thật trước Quốc hội Ảnh: Reuters

Trong phiên điều trần trước Quốc hội nhằm làm rõ về các khoản đóng góp trị giá hàng chục triệu USD cho 2 quỹ của bà Choi Soon-sil - bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye, lãnh đạo 8 tập đoàn gia đình trị (cheabol) đã đưa ra những câu trả lời theo chiều hướng bất lợi cho bà Park. Một mặt, lãnh đạo của Samsung, Lotte, Hanjin, LG… phủ nhận cáo buộc cung cấp tiền cho hai quỹ của bà Choi để đổi lấy “ân huệ” trong hoạt động kinh doanh. Song, lại thừa nhận việc quyên góp tiền là do yêu cầu từ văn phòng Tổng thống Hàn Quốc. Chủ tịch tập đoàn LG Koo Bon-moo cho biết, các tập đoàn không có lựa chọn nào khác, ngoài việc làm theo chính sách của chính phủ.

Từ hàng chục năm nay, các tập đoàn gia đình trị từ lâu đã chi phối nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, với mối quan hệ mật thiết với chính quyền do những đóng góp trong quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh Liên Triều (1950 – 1953). Tuy nhiên, sự bành trướng của các tập đoàn với sự hậu thuẫn từ các chính trị gia khiến người dân Hàn Quốc bất bình, nghi ngờ tính minh bạch trong mối quan hệ mập mờ của các thế lực trên chính trường và thương trường. Việc lãnh đạo của các tập đoàn thừa nhận mối liên hệ với văn phòng Tổng thống tại phiên điều trần càng khiến dư luận Hàn Quốc phẫn nộ. Trên thực tế, trong các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống vừa diễn ra, người dân đã hô to khẩu hiệu “Chaebol là những kẻ đồng lõa”. Với những gì đã thừa nhận trong phiên điều trần trước Quốc hội, các tập đoàn tiếp tục hứng chịu một đòn mạnh vào uy tín của các chaebol dù họ có thực sự là “nạn nhân” trong vụ bê bối hay không.

Trước diễn biến ngày càng bất lợi, Tổng thống Park Geun-hye cùng ngày đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo đảng Saenuri cầm quyền nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Tại cuộc gặp mang tính quyết định đối với số phận chính trị của bà Park Geun-hye, một số thành viên của đảng Saenuri cầm quyền đã kêu gọi Tổng thống phải đưa ra kế hoạch cụ thể cho việc từ chức trong hôm nay 7/12, nếu không họ xoay sang hướng ủng hộ việc bỏ phiếu luận tội. Hiện, phe đối lập cần sự ủng hộ của ít nhất 200/300 nghị sĩ, tức là ít nhất có được lá phiếu của 28 nghị sĩ đảng Saenuri cầm quyền. Trước đó, bà Park đã buộc phải nhượng bộ khi tuyên bố sẵn sàng từ bỏ vị trí Tổng thống vào tháng 4/2017 và trao quyền cho một nhân vật do Quốc hội chỉ định. Tuy nhiên, động thái này đã bị thành viên các đảng đối lập cáo buộc là một “âm mưu” nhằm gây chia rẽ nỗ lực tiến hành phiên luận tội diễn ra vào ngày 9/12. Những diễn biến đã, đang và chuẩn bị xảy ra trong tuần này cho thấy, hai quyền lực lớn trên chính trường và thương trường Hàn Quốc là các tập đoàn và Tổng thống đều phải đối mặt với nhiều nguy cơ.