Các tỉnh Bắc Bộ chủ động đón bão số 4, đã có ngư dân gặp nạn trên biển

Trương Huyền - Dương Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, bão số 4 giật cấp 11, đang di chuyển chậm về vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Tại các tỉnh ven biển phía Bắc đã bắt đầu có mưa, chính quyền các địa phương cùng người dân đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống bão và mưa lũ sau bão.

Vị trí và đường đi của bão số 4
Sáng sớm ngày 16/8 bão số 4 đi vào vịnh Bắc Bộ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 22 giờ ngày 15/8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái 280km, cách Thái Bình 410km, cách Vinh 550km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, như vậy từ sáng sớm ngày mai (16/8) bão số 4 sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ. Đến 22 giờ ngày 16/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, ngay trên đảo Bạch Long Vỹ và cách Móng Cái 170km, cách Thái Bình 220km, cách Vinh 330km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm ngày mai (16/8), ở vịnh Bắc Bộ có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11. Ở huyện đảo Bạch Long Vĩ và Cô Tô từ trưa và chiều mai gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11. Sóng biển trên vịnh Bắc Bộ cao từ 2-4m, biển động rất mạnh.
Từ đêm nay (15/8) đến ngày 18/8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt), trọng tâm mưa rất to tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
Hà Nội: Bảo đảm an toàn hệ thống đê tả Bùi

Ứng phó bão số 4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố vừa có Công điện số 04-CĐ/BCH yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó bão. 

 Bảo đảm an toàn hệ thống đê tả Bùi

Công điện nêu rõ, tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP tại Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 23/7/2018; Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình (đặc biệt các công trình đang thi công), chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến của bão và mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra.

UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã bị ảnh hưởng, thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua, nhất là các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện chủ động khắc phục hư hỏng, sự cố công trình trong đợt mưa lũ vừa qua, chuẩn bị phương án sẵn sàng di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, khu vực bị sạt lở, ngập lụt. Tiếp tục kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ điều tiết bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa và chằng chống nhà cửa, vệ sinh môi trường sau lũ; khôi phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, hệ thống điện đế đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân; Bảo đảm an toàn hệ thống đê tả Bùi, tả Tích, đặc biệt khu vực đê đã bị tràn trong đợt cuối tháng 7/2018.

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh tổ chức lực lượng kịp thời giải tỏa cây đổ khi có mưa to, gió lớn; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; không làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của nhân dân.

Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và các đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục nhanh các sự cố đối với hệ thống điện, sớm cấp điện trở lại phục vụ tiêu úng chống ngập và đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân.

Thông báo cho các Chủ đầu tư và đơn vị có công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, chủ các phương tiện vận tải thủy, nhà cao tầng, cẩu tháp biết thông tin trên để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện.

*Ngày 15/8, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội ký văn bản số 3454/SGDĐT-VP gửi các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc trên địa bàn thành phố về việc phòng, chống cơn bão số 4.

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày mưa bão. Căn cứ vào tình hình thời tiết, nếu mưa bão gây nguy hiểm cho học sinh, Hiệu trưởng có thể thông báo cho học sinh lùi giờ học hoặc cho học sinh nghỉ học. 

Quảng Ninh: Cứu 3 ngư dân gặp nạn trên biển

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh, trong ngày 15/8, ở khu vực Ba Chẽ, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, Vịnh Hạ Long, Hoành Bồ, Quảng Yên, Uông Bí đang tồn tại mây dông phát triển đã gây mưa, mưa rào và dông cho các khu vực trên. Dự báo, mây dông này sẽ tiếp tục gây mưa và lan sang các khu vực: Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái, Đông Triều, Cô Tô và các vùng lân cận.

Tại huyện đảo Vân Đồn, do ảnh hưởng của bão số 4 đã gây mưa to, sóng lớn, bước đầu có ngư dân gặp nạn trên biển.

Theo đó, khoảng 20h30 ngày 14/8/2018, tàu cá BKS HT-4174 do anh Chu Văn Trọng (38 tuổi quê huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cùng 2 ngư dân khác trên đường từ Cô Tô về Vân Đồn tránh bão. Khi đến khu vực Cửa Đối thuộc vùng biển xã Minh Châu (Vân Đồn) do đêm tối và lốc xoáy nên đã gặp nạn.

Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Quan Lạn đã cử tổ công tác huy động phương tiện nhanh chóng ra cứu nạn. Tuy nhiên, do sóng to, gió lớn cùng với đêm tối nên việc tiếp cận tàu rất khó khăn. Tới quá nửa đêm, đội cứu hộ mới có thể đưa được 3 thuyền viên vào bờ an toàn.
Các tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long đã về nơi trú tránh an toàn
Ngày 14/8, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công điện khẩn số 13/CĐ-UBND về chủ động các biện pháp phòng chống cơn bão số 4, yêu cầu các địa phương trong tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin. Đồng thời thông báo kịp thời tới các chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm; neo đậu tàu thuyền, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản, kiên quyết không để người dân ở lại lồng bè, tàu thuyền khi bão đổ bộ. Tổ chức theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện.

Lưu ý các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá, khu vực ven sông, suối có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, khu vực bãi thải. Tuyệt đối không được để xảy ra thiệt hại về người.

Với TP Hạ Long, đặc biệt lưu ý các khu vực thuộc phường Hồng Hà, Hà Tu, Hà Khánh, Cao Thắng, Bãi Cháy. TP Cẩm Phả khắc phục không để ngập lụt tại khu vực dốc Đèo Bụt.

Theo thông tin từ Cảng vụ đường thuỷ nội địa Quảng Ninh cho biết, để chủ động phòng tránh bão số 4, đơn vị đã tạm dừng hoạt động của 167 tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long kể từ 12h ngày 15/8 và chỉ được cấp phép trở lại khi thời tiết thuận lợi. Vịnh Hạ Long hiện có 484 tàu du lịch hoạt động, trong đó có 167 tàu nghỉ đêm. Chiều 15/8, toàn bộ các tàu du lịch đã di chuyển phương tiện đến nơi tránh trú.
Hải Phòng: Huy động hơn 42 nghìn người sẵn sàng phòng, chống bão số 4

Sáng 15/8, UBND TP Hải Phòng đã tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng, chống cơn bão số 4. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, Hải Phòng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, với lượng mưa rất lớn. Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND TP yêu cầu người đứng đầu các địa phương, Sở, ngành, đơn vị trực tiếp chỉ đạo việc phòng, chống bão; theo dõi sát tình hình diễn biến cơn bão, tổ chức việc trực phòng, chống bão theo đúng quy định để ứng phó kịp thời; tuyệt đối bảo đảm an toàn cho người dân, có kế hoạch cụ thể di dời dân khi cần; kiểm tra chặt chẽ, sát sao việc triển khai phòng, chống bão ở cơ sở, nhất là ở các vùng xung yếu, nguy hiểm, các công trình đang thi công... Các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố chủ động kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, cùng với các địa phương xử lý các vấn đề cụ thể phát sinh.

Trước đó, ngày 13/8, TP cũng đã có công điện chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão. Đến sáng 15/8, tất cả Sở, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố có kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng, chống bão. TP huy động tổng cộng hơn 42 nghìn người tham gia xung kích hộ đê, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; hơn 1 nghìn ô tô các loại; 264 tàu, xuồng; 199 máy phát điện; hơn 1.300 tấn lương thực, gần 41 nghìn thùng mì tôm, hơn 15 nghìn thùng nước đóng chai; gần 1 triệu bao tải…, cùng nhiều phương tiện, vật tư khác để phòng, chống bão.

Đến 18h30 chiều 15/8, theo ghi nhận trên địa bàn TP, nhiều quận nội thành đã có mưa to. Tại huyện Bạch Long Vĩ, từ 17h30 đã xuất hiện gió cấp 7, sóng lớn, đôi lúc có mưa.

Tàu thuyền vào neo đậu tại Âu tránh trú bão Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn. Ảnh: Báo Thanh Hóa.
Thanh Hóa: Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào trú tránh bão

Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thanh Hóa, đến sáng 15/8, vẫn còn nhiều tàu thuyền đang khai thác hoặc di chuyển trên biển, song 100% vẫn giữ liên lạc với đất liền và nắm bắt được tình hình bão số 4 để vào nơi tránh trú.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 7.443 phương tiện nghề cá với 27.747 lao động thường xuyên khai thác trên biển. Đến cuối giờ chiều 14/8, vẫn còn 1.397 phương tiện với 7.186 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó: Hoạt động tại vùng biển Thanh Hóa có 949 phương tiện với 3.889 người; hoạt động tại các vùng biển tỉnh ngoài 548 phương tiện với 3.297 lao động.

Hiện tại, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đài thông tin Duyên hải Thanh Hóa và các địa phương đang tích cực kêu gọi những phương tiện còn lại nhanh chóng vào nơi trú ẩn an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm trên biển.
Thái Bình: Cấm biển từ trưa 15/8

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng thông báo vị trí, diễn biến của cơn bão và hướng dẫn ngư dân không đi vào vùng biển nguy hiểm, đồng thời tiến hành kiểm điếm tất cả các phương tiện đã về neo đậu an toàn.

Thái Bình hiện có 1.239 phương tiện/3.608 lao động đang hoạt động trên biển. Tính đến 10h ngày 15/8 có 44 phương tiện và 297 lao động đang neo đậu tại các tỉnh khác: Quảng ninh, Nam Định, Thanh Hoá... và trên 1.000 phương tiện đang neo đậu tại các bến bãi trong tỉnh. 100% các phương tiện đều liên lạc được với gia đình.

Để chủ động phòng chống cơn bão số 4 Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị BĐBP đứng chân trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện hoạt động trên biển, kiên quyết không để cho tàu, thuyền hoạt động tại vùng biển nguy hiểm; đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển, ban quản lý các bến bãi, cảng cá làm tốt công tác chuẩn bị và hướng dẫn khi các phương tiện vào neo đậu, tránh trú. Tỉnh Thái Bình tổ chức cấm biển từ 12h ngày 15/8.
Sẵn sàng các phương án ứng phó mưa lũ sau bão

Tại tỉnh Thái Nguyên, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh, bão số 4 có thể có diễn biến phức tạp, mưa vừa, mưa to đến rất to sẽ ảnh hưởng đến các khu vực trong tỉnh từ đêm 15/8 đến ngày 18/8. Đặc biệt mưa có thể khiến cho mực nước tại hồ Núi Cốc dâng cao.

Để đảm bảo an toàn cho các công trình, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân vùng thượng lưu và phía hạ du của hồ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân cần chủ động trong sản xuất, sinh hoạt, không thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, gieo cấy trong lòng hồ và vùng bán ngập từ cao trình (+46,2 đến +48,25)m.

Tại vùng hạ du, khi mực nước hồ dâng cao, Công ty sẽ phải thực hiện điều tiết mực nước hồ qua tràn xả lũ theo quy trình với lưu lượng có thể từ (100 - 600)m3/s hoặc lớn hơn, mực nước trên Sông Công có thể dâng cao bất thường.

Công ty đề nghị các tổ chức, cá nhân ở phía hạ du hồ Núi Cốc và hai bên bờ Sông Công có biện pháp phòng, tránh, không sản xuất, kinh doanh, gieo cấy trong phạm vi hành lang thoát lũ hai bên bờ Sông Công.

Đồng thời, nghiêm cấm người không có nhiệm vụ đi lại trên mái đập, các thuyền, bè không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động không được đi lại trong lòng hồ.
Cán bộ, chiến sĩ trạm kiểm soát Cửa Lân (Thái Bình) đang hướng dẫn ngư dân đưa phương tiện vào nơi neo đậu. Ảnh: Hợp Khánh

Trong khi đó, theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Phú Thọ, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn, tính từ đầu tháng 7 đến nay, mưa bão đã gây thiệt hại nặng cho tỉnh Phú Thọ, khiến 3 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương, thiệt hại hoàn toàn 96 nhà ở, mất trắng 592,8 ha lúa, làm chết, cuốn trôi 6.026 con gia súc và 89.336 con gia cầm...

Bên cạnh đó, mực nước Sông Đà dâng cao do hồ thủy điện Hòa Bình xả đáy cũng gây thiệt hại đến các hộ nuôi cá lồng huyện Thanh Thủy. Thống kê sơ bộ có 149 lồng cá bị thiệt hại, giá trị thiệt hại ước tính 4,8 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ đêm 15/8 trên khu vực tỉnh Phú Thọ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão và các tình huống bất thường có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh chỉ đạo các huyện, thành, thị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ trên địa bàn.

Đồng thời thông tin cảnh báo kịp thời đến các xã, phường, thị trấn và người dân để phòng, tránh nhất là các khu vực dễ bị xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập úng; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng thấp trũng ven sông, khu vực thường bị ngập, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối và các khu vực khai thác khoáng sản đến nơi an toàn.
Kiên quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm
Tối 15/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa có Công điện số 38/CĐ-TW về ứng phó với bão số 4.

Để chủ động đối phó với bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tập trung, khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Đối với tuyến biển:

Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, căn cứ tình hình cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc cấm biển;
 Ảnh minh họa

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra;

Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu, trú tránh ven biển, trong sông và nhất là quanh các đảo; tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền;

Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động du lịch, trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản ven biển và đất liền.

Đối với khu vực trên đất liền:

Chỉ đạo hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây;

Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, các dự án lớn đang thi công, kho tàng, hầm lò, hệ thống truyền tải điện, bãi thải khai thác khoáng sản.

Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ: Kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh và kiên quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ.

Đối với hồ chứa thủy lợi, thủy điện:

Liên tục cập nhật tình hình, tính toán toán phương án vận hành liên hồ chứa thủy điện và căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo vận hành phù hợp;

Đối với hồ xung yếu có cửa van, điều tiết hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng thường trực tại các hồ để chủ động xử lý kịp thời khi có tình huống.

Kiểm tra, triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn hệ thống đê điều; đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, các sự cố do đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục. Trong đó, lưu ý các tuyến sông Bùi, sông Bưởi, sông Hoàng Long.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhập kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo để cung cấp cho các cơ quan đơn vị liên quan, nhất là đối với dự báo định lượng về mưa và dòng chảy cụ thể cho các khu vực lòng hồ Sơn La, Hòa Bình để chỉ đạo điều hành liên hồ chứa.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Ngày 15/8, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các sở GD&ĐT, trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và các đơn vị trực thuộc các các tỉnh/TP Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ triển khai một số công việc để phòng, chống bão.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; đảm bảo thông tin kịp thời, đầy đủ, nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứ, vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh. Đồng thời, bố trí trực ban để kịp thời ứng phó.

Các đơn vị thực hiện những phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình, lớp học. Ở những nơi có nguy cơ ngập lụt cần di dời máy móc, trang thiết bị dạy học, tài liệu thư viện lên tầng cao. Hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để đảm bảo an toàn tài sản.

Cùng với việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai địa phương, các đơn vị có kế hoạch phòng chống các dịch bệnh, kịp thời vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bi điều kiện cơ sở vật chất trường lớp chuẩn bị cho năm học mới...

Thủy Trúc