Tại Cà Mau, sáng 24/12, lãnh đạo tỉnh Cà Mau họp đột xuất nghe báo cáo tình hình đối phó bão số 16, thống nhất phương án triển khai phòng, chống bão. Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết, tính đến sáng 24/12 đã thông báo di dời dân 8.000 dân ở các vùng ven biển, nhất là người già và trẻ em đến nơi an toàn.
“Ngày mai (24/12), 245.000 học sinh trên toàn tỉnh sẽ nghỉ học. Công nhân tại các nhà máy xí nghiệp, DN trên toàn tỉnh phải nghỉ làm, chỉ còn một số bộ phận ứng cứu kịp thời khi bão đổ bộ", ông Hải nhấn mạnh.
Tại các xã, huyện trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã triển khai loa phát thanh lưu động tuyên truyền các ghe thuyền trên sông lên bờ tránh bão. Ngành y tế cũng sẵn sàng ứng trực, đảm bảo y bác sĩ, thuốc men, thành lập tổ y tế cơ động sẵn sàng đến các nơi có người cần ứng cứu.
Các nhà mạng, ngành điện được chỉ đạo kiểm tra hệ thống hạ tầng đảm bảo thông tin liên lạc, nguồn điện. Lực lượng cứu hộ trọng điểm tại cửa biển Sông Đốc, cảng Năm Căn phải túc trực 24/24h để sẵn sàng cứu người khi có sự cố xảy ra.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
"Các cơ quan từ tỉnh đến địa phương phải túc trực 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc, sử dụng tất cả phương tiện để tham gia phòng chống bão", ông Hải nhấn mạnh.
Tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đề nghị: Trước mắt, các huyện ven biển gồm: Đông Hải, Hòa Bình, TP Bạc Liêu cần di dời, sơ tán dân từ 24/12. Công tác di dời dân đến nơi an toàn cần tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất.
Các lực lượng chức năng cần vận động, khuyến khích người dân sơ tán nhất là người già, trẻ em. Lực lượng trong độ tuổi lao động, thanh niên sơ tán sau cùng khi thật sự cần thiết...
Ông Trung nêu rõ: Các địa phương cần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, chú ý công tác vệ sinh môi trường, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, an ninh trật tự khi di dời dân.
Theo tính toán của Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bạc Liêu sẽ sơ tán hơn 85.000 hộ dân, tương đương hơn 365.700 người, với tổng số 31.000 điểm sơ tán.
Để làm tốt công tác này, tỉnh huy động lực lượng gồm hơn 12.000 người, 24.000 phương tiện…; đồng thời triển khai các giải pháp bảo vệ hơn 33.000ha lúa- tôm, 35.000ha lúa Thu Đông, hơn 11.000ha lúa Đông Xuân và hơn 76.000 ha nuôi trồng thủy sản.
Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh có 1.232 tàu đánh bắt trên biển với 10.298 thuyền viên. Tính đến 6 giờ sáng 24/12, địa phương còn 177 tàu với 1.189 thuyền viên đang hoạt động trên biển.
Tất cả phương tiện trên đều giữ liên lạc với đất liền và đang di chuyển đến nơi trú bão an toàn; vẫn còn một số chủ tàu chưa chấp hành nghiêm, chưa vào đất liền trú bão.
Tại Trà Vinh, ông Kim Ngọc Thái - Phó Chủ tịch UBND Trà Vinh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.216 tàu thuyền đánh cá với gần 4.900 ngư dân hành nghề. Hiện, tất cả tàu thuyền và ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn.
"Bão số 16 đã vào biển Đông, Trà Vinh sẽ bị ảnh hưởng tại các huyện ven biển. Đây là siêu bão với mức độ rủi ro khó lường, nên công tác chủ động ứng phó luôn được đặt lên hàng đầu đề phòng trường hợp xấu nhất", ông Thái nói.
Nam Bộ rất ít khi có bão, người dân được cho là thiếu kinh nghiệm trong việc đối phó. Vì vậy, khi có bão thiệt hại thường rất nặng nề. 20 năm trước, cơn bão Linda - bão số 5/1997 lúc đầu không mạnh nhưng chỉ trong 36 giờ gió từ cấp 6 tăng lên cấp 11 đổ bộ vào Cà Mau. Hậu quả là làm chết và mất tích gần 3.000 người; hư hại rất nhiều tài sản ước tính hơn 7.200 tỷ đồng.
Trong khi đó, trung tâm nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) đang triển khai phương án ứng phó bão. Hơn 200 người ứng trực 24/24h. Hiện các tàu cung cấp than đã neo đậu nơi an toàn. Hơn một triệu tấn tro xỉ trong bãi chứa được che đậy kỹ lưỡng và phun nước giữ ẩm để tránh gió thổi bay ra môi trường xung quanh. Hệ thống cống thoát nước trong công trường được khơi thông, để chống ngập úng cục bộ.
Tại Kiên Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạn Vũ Hồng cho biết, mặc dù theo dự báo cơn bão số 16 này không đổ bộ trực tiến vào tỉnh Kiên Giang, nhưng hiện nay tỉnh đã cho kiểm tra tất cả các huyên, thị và có phương án tốt nhất để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Tình huống tới đâu sẽ xử lý tới đó để không làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân nếu nơi đây không chịu ảnh hưởng của bão.
|
Bộ đội tỉnh Cà Mau giúp dân chống bão. |
Tại TP Hồ Chí Minh, theo thông tin từ UBND huyện Cần Giờ, huyện có khoảng 800 phương tiện đánh bắt hải sản nhưng chỉ 56 phương tiện đánh bắt xa bờ, ngoài vùng ảnh hưởng của bão. Các phương tiện còn lại chủ yếu hoạt động ven bờ, sáng đi, chiều về. UBND huyện cũng huy động tất cả lực lượng túc trực 24/24, phương tiện vận chuyển đã có, địa điểm di dời dân cũng đã được chuẩn bị chu đáo để phòng chống bão số 16.
Tại Bến Tre, đến chiều 23/12/2017, tỉnh Bến Tre đã cơ bản hoàn thành các phương án phòng chống bão số 16 như sơ tán dân; thực hiện việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 8 giờ sáng cùng ngày và lực lượng Bộ đội Biên phòng đang khẩn trương liên lạc với số tàu trên biển để hướng dẫn tìm nơi tránh trú an toàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo 3 đồn biên phòng Hàm Luông, Cổ Chiên, Cửa Đại sử dụng hệ thống thông tin liên lạc của đơn vị thông báo cho số phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; thống kê, kiểm đếm số lượng tàu, người, khu vực hoạt động. Đến chiều 23/12 đã có 2.680 phương tiện tàu, thuyền tìm được nơi neo đậu tại các bến, bãi của tỉnh và khu vực các đảo. 3 huyện ven biển của Bến Tre là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú đang nhanh chóng sơ tán hơn 20.000 hộ dân đang sinh sống tại các khu vực cồn bãi, ven sông, ven biển hoặc các nhà kém an toàn tới vào các cơ sở y tế, trường học kiên cố và sẽ hoàn thành trước 12 giờ ngày 25/12/2017.